“Đèn sinh học” vận hành bằng vi khuẩn phát sáng

Hệ thống “đèn sinh học” phát minh bởi Công ty điện tử Philips (Hà Lan) tạo ra ánh sáng tương tự cách mà các sinh vật phát quang như đom đóm đèn và sâu phát sáng đã làm.

Hiện tượng phát quang được tạo ra bởi một phản ứng hóa học, trong đó, một enzyme tên luciferase tương tác với một phân tử phát sáng gọi là luciferin. Bộ “đèn sinh học” bao gồm nhiều bình thủy tinh, được cố định bởi một khung thép, chứa một lớp vi khuẩn phát quang. Chúng sẽ tỏa ra ánh sáng màu xanh khi tiếp xúc với khí mêtan thông qua các ống silicon riêng rẽ nối với hầm chứa rác thải gia đình.

Hệ thống đèn này không chỉ giúp gia chủ tiết kiệm điện năng tiêu thụ mà còn tận dụng nguồn nhiên liệu sinh học sẵn có. Theo Clive van Heerden, giám đốc bộ phận thiết kế của hãng Philips, việc khai thác công nghệ sinh học này có thể giúp định nghĩa lại cách chúng ta tiêu thụ năng lượng và cách cộng đồng có thể khai thác các nguồn tài nguyên sẵn có.

Hiện tại, Philips đang vạch ra nhiều ứng dụng cho công nghệ phát quang của họ, như chiếu sáng vỉa hè, cảnh báo nguy hiểm tại các cầu thang, công cụ đánh giá mức độ ô nhiễm hoặc cảm biến sinh học dùng để giám sát các bệnh như tiểu đường.

 

Theo Báo Cần Thơ