Chợ Điện Biên là nơi hội tụ những sản phẩm, những mặt hàng đặc trưng của vùng rừng núi Tây Bắc mà không phải ở đâu ta cũng có thể tìm mua được.
Trở lại Điện Biên Phủ, mảnh đất anh hùng mà cách đây hơn 50 năm, ông cha ta đã làm nên một kỳ tích “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nằm cạnh ngã ba Điện Biên đi cửa khẩu Tây Trang sang nước bạn Lào, một đường đi Lai Châu, ngả kia về Tuần Giáo (lộ 279), vị trí ở trung tâm thành phố Điện Biên (mặt chính tượng đài Chiến Thắng hướng ra ngã ba này), cách đồi A1 khoảng 1km là chợ Điện Biên mà nhiều người vẫn thường gọi là “Hoa của vùng Tây Bắc”.
Chợ Điện Biên là nơi hội tụ những sản phẩm, những mặt hàng đặc trưng của vùng rừng núi Tây Bắc mà không phải ở đâu ta cũng có thể tìm mua được. Ngoài những mặt hàng truyền thống, du khách còn có thể chọn và mua cho mình, cho bạn bè, người thân những bộ váy áo trang phục bằng chất liệu thổ cẩm do những bàn tay khéo léo của người con gái Thái dệt nên với mức giá khá hợp với túi tiền.
Chợ Điện Biên còn có cả một dãy hành lang dành cho người bán những tổ ong mật, ong đất, ong rừng… thơm ngon mà nếm một lần nhớ mãi không quên. Theo lời kể của đồng bào dân tộc Thái ở bản Xa Mấn, huyện Điện Biên, thì những loài ong này thường làm tổ ở trong hốc đá, hốc cây to, bắt được một tổ phải mất một ngày, thậm chí vài ngày. Ngoài việc đi thăm lại chiến trường xưa của cha ông, các cụ già người cao tuổi còn có cơ hội mua cho mình ché rượu cần, những bình rượu ngâm tắc kè, bò cạp, ong đất.
Ngoài cái thú vui tao nhã, du khách được thưởng thức chén rượu vùng cao, những loại rượu này còn có tác dụng bổ gân, chữa tê phù, thấp khớp rất tốt. Một điều khá lý thú là du khách còn được thưởng thức loại rượu chít (ngâm con sâu trong thân cây chít mà chỉ những cây mọc ở sườn núi cao không ra bông mới có sâu ở). Có phải chăng người Điện Biên – người Tây Bắc bày ra không phải để bán mà là để “mua” cái tình của du khách thập phương để giới thiệu những hương vị tinh khiết của vùng sơn cước, của vùng đất anh hùng?
Đi chợ Điện Biên, du khách còn có thể mua những món quà nho nhỏ như quần áo, mũ, túi… in hình những di tích lịch sử của Điện Biên như tượng đài chiến thắng đồi D1, hầm Đờ Cát, những giò lan đủ loại, đủ màu sắc như lan tai châu, lan quế, điệp lan, lan nữ hoàng. Những con hươu, con nai nhỏ được những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân tạo nên mà vật liệu đơn giản chỉ là gỗ rừng, rêu suối gần gũi, thân quen như con người với núi rừng Tây Bắc.
Đến Điện Biên, đi chợ Điện Biên có lẽ không có du khách nào quên không mua cho mình một cành hoa ban nhỏ. Loài hoa tinh khiết hội tụ những nét nguyên sơ, trong trắng của con người, của núi rừng nơi đây. Có người nói hoa ban là chúa của các loài hoa, có lẽ không sai nên cũng không phải ngẫu nhiên mà người ta ví hoa ban là biểu tượng, là tâm hồn của người con gái Tây Bắc…
Mỗi độ xuân về lại bạt ngàn rừng ban trắng, hoa ban cũng được bày bán khắp chợ, người mua chủ yếu là nam thanh, nữ tú ở nơi xa đến; mua là để thưởng ngoạn cái thơ mộng, quyến rũ của lòng người Tây Bắc; mua là để cầu chúc cho đôi lứa nên duyên.
Đến chợ Điện Biên không mua chỉ thưởng thức thôi cũng đã “đầy túi” rồi, rượu không uống cũng đã ngất ngây lòng người. Chia tay với Điện Biên – vùng đất một thời oanh liệt của cha ông ta, chia tay với chợ Điện Biên nhưng vẫn mãi còn đọng lại đâu đây giọng một người con gái Thái “Tặng anh cây ban nhỏ như tấm lòng người Tây Bắc bao la”.