Đi cấp cứu lúc 12h đêm vì “cậu nhỏ” cương hoài không xuống

Tụt hẳn huyết áp vì loạn cường dương

“Trên bàn nhậu, ông bạn tôi bảo ra ngoài chợ, có loại thuốc cho chuyện ấy sung mãn lắm, 1 giờ là có tác dụng ngay, nghe thôi đã thấy… thích. Tôi vội mua về, uống 1 viên, chờ 1 giờ, chẳng thấy “cậu nhỏ” ho he gì nên uống thêm viên nữa cho chắc ăn. Kết quả là giờ này tôi đến đây gặp bác sĩ, “cậu nhỏ” cứ “cương hoài ngàn năm”, khổ sở, bứt rứt bác sĩ ạ!”, bệnh nhân Trần Hữu Nam (45 tuổi, ở Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội) vò đầu bứt tai, nhăn nhó kể lại tình huống bi hài này với bác sĩ nam khoa Nguyễn Thế Lương – Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội.

Câu chuyện của bệnh nhân Nam không phải là hiếm trong thực tế cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Thận Hà Nội nói riêng và các trung tâm nam khoa nói chung. Một trường hợp khác, Phùng Nghĩa Tâm (ở Hà Nội), ở cái tuổi tràn đầy sinh lực, nhưng cậu thanh niên 24 tuổi này vẫn muốn bạn gái phải “choáng” vì sự mạnh mẽ của mình nên đã ra hiệu thuốc mua “thần dược” Viagra. Không rõ thuốc có tác dụng đến đâu nhưng Tâm đã phải cấp cứu tại Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức) vì “cậu nhỏ” liên tục 2 ngày không chịu “xuống”.

TS.BS Nguyễn Quang, Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, 6 tháng đầu năm 2012, đã có gần 700 bệnh nhân đến khám, điều trị rối loạn cương dương, chiếm 10,2% số bệnh nhân, độ tuổi trung bình khoảng trên dưới 35-40 tuổi.

Theo BS Nguyễn Thế Lương, về mặt bản chất, thuốc chính thống được cấp phép điều trị rối loạn cương dương ở Việt Nam hiện nay chỉ có 3 loại. Đây là những thuốc bác sĩ kê đơn. Thuốc có tác dụng gây ức chế men PDE5, làm giãn cơ trơn, tăng lượng máu khiến “cậu nhỏ” có khả năng cương cứng. Tuy nhiên, ở một mặt khác, khi gây ức chế men PDE5, thuốc cũng có tác dụng ức chế cả các men PDE khác, dẫn đến biến chứng, điển hình nhất là gây giãn mạch, gây tụt huyết áp cho người dùng.

“Dù không phải là quá nhiều trường hợp mắc phải chứng tụt huyết áp khi dùng thuốc cường dương, nhưng hầu hết đều do dùng sai chỉ định, tự ý dùng thuốc. Có những bệnh nhân dù đang điều trị bệnh cao huyết áp, dùng thuốc hạ áp. Khi dùng thuốc cường dương sai chỉ định, tự ý dùng thuốc không có ý kiến bác sĩ, bệnh nhân bị “đánh tụt” huyết áp đột ngột, đe dọa tính mạng bệnh nhân nếu không được cấp cứu kịp thời”, BS Nguyễn Thế Lương cho hay.

12h đêm đi cấp cứu vì “cậu nhỏ” cương hoài không “xuống”

Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc

Cũng theo BS Nguyễn Thế Lương, bên cạnh các thuốc chính hãng được phép kê đơn, có hàng loạt sản phẩm không chính thống vẫn lưu hành chui trên thị trường để phục vụ một mục đích nào đó, như tăng thời gian tác dụng một cách nổi bật, gây hấp dẫn cho người dùng, các sản phẩm này có thể tăng hàm lượng hoạt chất làm tăng thời gian cương cứng. Trong khi bình thường, mỗi loại thuốc có thời gian tác dụng gây cương khác nhau.

“Tình trạng cứ 11- 12g đêm, bệnh viện lại tiếp nhận các ca bệnh cấp cứu vì thuốc cường dương là chuyện không hiếm. Hầu hết trong số này là do dùng sai cách, sai chỉ định. Nhiều bệnh nhân cho biết, sau khi họ dùng thuốc cường dương thì cảm thấy hỉ hả, tự tin chinh chiến. Nhưng sau đó, họ lại gặp họa bởi “cậu nhỏ” cương mãi gây đau tức. Nhiều người còn chườm đá, tác động đủ kiểu, “cậu nhỏ” vẫn “trơ trơ”. Với những trường hợp này, chúng tôi phải dùng các can thiệp cấp cứu ngoại khoa để xả hết máu dồn về “cậu nhỏ”, bởi để lâu, thể hang sẽ bị xơ hóa, dẫn đến tình trạng “cương một lần rồi thôi”, hỏng luôn. Việc can thiệp càng sớm thì khả năng phục hồi của bộ phận này càng cao”, BS Nguyễn Thế Lương nói.

BS Nguyễn Thế Lương cho rằng, đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào chỉ ra cơ chế tác dụng của các loại rượu ngâm này đến việc điều trị rối loạn cương dương hay rối loạn xuất tinh. Có chăng, đó là liệu pháp tâm lý “uống gì bổ nấy”, “uống vào sẽ bổ” để quý ông tự tin hơn trong khả năng biểu đạt sức mạnh chinh chiến mà thôi. Trên thực tế, cũng chưa có ca cấp cứu nào liên quan đến việc uống các loại rượu ngâm mà gây ra tình trạng “cậu nhỏ” luôn luôn “chào cờ”. Nếu có, thì có thể bệnh nhân vừa uống rượu ngâm vừa dùng thuốc cường dương nên gây tác động phối hợp, trong khi đó, bệnh nhân lại chỉ kể “tiểu sử” là uống rượu mà cố tình bỏ qua yếu tố quan trọng là tự ý dùng thuốc cường dương.

Theo nhiều bác sĩ nam khoa, không có một công thức chung nào để điều trị rối loạn cương dương hay rối loạn xuất tinh. Mỗi bệnh nhân có một hướng điều trị khác nhau. Do đó, tuyệt đối bệnh nhân không tự ý mua thuốc, dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, việc điều trị các bệnh nam khoa tiến triển tích cực hay không phụ thuộc rất lớn vào yếu tố tâm lý, sự cảm thông, hợp tác của nửa còn lại (vợ/bạn tình). Chính vì vậy, trong những năm gần đây, một số nước trên thế giới đã hướng những nghiên cứu khoa học cũng như điều trị rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh vào đối tác, thay vì chỉ tập trung chữa cho bản thân nam giới.

Nguồn: PV (Theo Gia đình Xã hội)

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.