Dân làng ở Alaska (Mỹ) xôn xao, các nhà khoa học vào cuộc khi một chất lạ màu cam dạt lên bờ biển và xuất hiện khắp các vùng nước trong làng… Thế nhưng, kết quả giám định mới đây khiến mọi người thở phào.
Từ hôm 3/8, thông tin radio của làng Kivalina, Alaska cảnh báo người dân về một chất lạ màu cam phủ dọc bến cảng thị trấn. Tin tức lan đi nhanh chóng và khiến người dân lo lắng về hiện tượng dị thường này. Tệ hơn khi một trận mưa xảy đến và cư dân tìm thấy dị chất này xuất hiện trong xô hứng nước mưa hoặc đọng lại trên mái nhà.
Ngày 3/8, Mida Swan cung cấp cho AP tấm hình chụp ở bờ biển làng Kivalina, Alaska với những vạt chất màu cam kì lạ (Ảnh: AP)
Đến ngày 5/8, dị chất màu cam từng nổi lềnh bềnh khắp mặt nước biến mất hoặc bị cuốn ra biển, những phần còn lại trên mặt đất thì khô lại như một chất bột. Dị chất này được lấy mẫu và gửi đi kiểm tra tại một phòng thí nghiệm ở Anchorage. Hai mẫu vật cũng được chuyển đến trường ĐH Fairbanks, Alaska và phòng thí nghiệm của Cục quản lý khí quyển và hải dương (NOAA) để phân tích.
Lúc chưa có kết quả, 374 cư dân không ngừng thắc mắc về điều bí ẩn đang xảy đến ngôi làng của họ bởi vì ngay cả những người lớn tuổi nhất của Kivalina cũng chưa từng thấy hiện tượng này.
Chất cam lạ kỳ này bao phủ một vùng nước khá rộng ở Kivalina, Alaska (Ảnh: AP)
Mọi người lo lắng nếu đó là chất độc gây hại cho cá mà dân làng sẽ đánh bắt để dự trữ cho mùa đông. Các quan chức của Kivalina cảnh báo về việc giữ cho trẻ em tránh tiếp xúc với dị chất và người dân cần phải đun sôi nước khi uống.
Vấn đề nước uống gây ra một sự hoang mang lớn cho dân làng Kivalina bởi họ không dự trữ nhiều nước trong các bể chứa của thành phố, tuy nhiên họ không thể bơm thêm nước từ sông Wulik vào bể khi chưa biết dị chất đó là gì?
Mẫu chất màu cam đang được Emmanuel Hignutt thuộc Sở Bảo tồn môi trường ở Anchorage, Alaska kiểm tra (Ảnh: AP)
Đến ngày 8/8, mối quan ngại về hóa chất ô nhiễm khi chất cam lạ xuất hiện mới được đánh tan khi các nhà khoa học thuộc NOAA cho biết đó là khối lượng trứng khổng lồ của các loài giáp xác.
Jeep Rice, nhà khoa học hàng đầu thuộc NOAA cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng đây là một dạng trứng giáp xác nhỏ hoặc phôi được bao phủ bởi chất dầu màu cam. Vì vậy, nó là tự nhiên chứ không phải hóa chất ô nhiễm, không phải chất do con người tạo ra”.
Ảnh chụp kính hiển vi của dị chất màu cam giúp các nhà khoa học khẳng định đây là trứng giáp xác (Ảnh: Reuters)
Thỉnh thoảng, thiên nhiên cũng “chơi khăm” con người một vố để cảnh tỉnh họ về vấn đề ô nhiễm môi trường.
Theo Đất Việt