Không hoàn toàn là lùng đồ hàng hiệu hay hàng giá rẻ, những chợ đồ cổ, đồ cũ ở Berlin mang lại niềm vui cho cả người bán và người mua.
-
1
Thế giới đồ cổ ở Berlin
Trong vô số những điểm đến hấp dẫn ở Berlin thì chợ trời có lẽ là điểm dân du lịch ưa khám phá tiêu tốn nhiều thời gian nhất. Người Đức cũng rất thích đi chợ trời, đặc biệt là những người già. Không phải họ có quá nhiều thời gian rỗi mà vì chợ đồ cổ là nơi nhiều người trong số họ có thể tìm lại chút dư vị của quá khứ qua những món đồ xưa cũ.
Những người trẻ thì gần như chỉ dừng chân ở những điểm bán đồ trang sức, bị hút vào những tấm bưu thiếp cũ hay loay hoay trong hàng ngàn chiếc đĩa than ở một góc khuất trong chợ. Khỏi mất công đi đâu xa cũng có thể mua được những đĩa nhạc xịn của Elvis Presley, Abba, Pink Floyd, Jimi Hendrix, Rolling Stones… phát hành từ ngày xửa ngày xưa.
Chợ trời ở Berlin khá nhiều, hàng chục cái nằm rải rác khắp thành phố. Chợ mở theo phiên, thông thường là vào Chủ nhật, một số họp thêm vào thứ 4 hoặc thứ 7. Cả một khu đất rộng toàn những ki-ốt căng bạt trắng, đông nghẹt người và hàng ngàn món đồ trong tiếng mặc cả ồn ào. Mưa, nắng, không thành vấn đề, các cuộc mua bán vẫn cứ vui như tết. Chỉ cần 50 cent (khoảng 11.000VNĐ) là đã có thể rời chợ với một món hàng.
Vô tư mặc cả là điểm độc đáo nhất của chợ trời giữa trời Âu, người mua có thể nói thách còn người bán mặc cả thả sức nên việc mua hớ, mua nhầm đồ rởm là chuyện cơm bữa. Ở đây, người mua sẽ phải tự thẩm định giá trị của mỗi món đồ, may thì “vớ” được món vừa tốt vừa rẻ, còn không thì đúng là mất tiền mua hàng đồng nát.
Đã là chợ trời, chợ đồ cổ thì cái gì cũng có. Từ tem, vỏ bao diêm, bưu thiếp, tranh, sách đến đồ trang sức. bật lửa, huy chương…, từ máy ảnh, đồng hồ đến đĩa than, từ bát đĩa sứ có hàng trăm năm tuổi đến những chiếc giá nến mạ vàng, từ những chiếc tẩu cổ đến kèn saxophone… tất cả đều được bày bán. Ngoại trừ các ki-ốt bán sách, trang sức, quầy nào cũng bày bán cả chục, cả trăm món đồ khác nhau, miễn là cũ, là cổ. Thôi thì đủ loại, từ đồ gốm đến đồ đồng, từ đồ gỗ đến vàng, bạc… muốn gì cũng có, sở thích có kỳ quặc đến mấy cũng được đáp ứng. Với những người tham lam, 7 tiếng đồng hồ của mỗi buổi chợ không đủ để họ xem hết những thứ mình thích dù chân đã mỏi rã rời.
-
2
Đi chợ trời, mở bảo tàng !
Phu nhân của một vị cựu Đại sứ Việt Nam tại Đức thừa nhận phần lớn bộ sưu tập đồ gốm sứ và pha lê Đức cũng như châu Âu với hàng ngàn món phần lớn được bà mua từ các chợ đồ cổ họp ngoài trời. Với người phụ nữ ấy đi chợ đồ cổ vừa là thú vui, vừa là đam mê. Bà sưu tập phần nhiều là đồ gốm sứ men trắng và đặc biệt thích sưu tập búp bê bằng sứ. Gần 10 năm ở xứ người bà đã kịp sở hữu bộ sưu tập búp bê và tượng sứ độc nhất lên tới cả trăm con. Búp bê sứ với những đường nét mềm mại tinh xảo dĩ nhiên không chỉ dành cho trẻ con bởi giá của nó có khi lên tới 65euro (khoảng 1,4 triệu đồng). Ngôi biệt thự mang đậm kiến trúc Đức của bà tại Hà Nội giống như một bảo tàng tư nhân về đồ gốm sứ và pha lê độc đáo mà không phải ai cũng có cơ hội ghé thăm.
Tại các chợ trời ở Berlin, đồ gốm sứ được bày bán rất nhiều bên cạnh lượng lớn các món đồ bằng đồng, bạc và gỗ. Đồ gốm sứ chủ yếu là những vật dụng trong gia đình như bát đĩa, ấm chén, bình trà, giá nến… Ngoài những bộ thìa dĩa được làm tinh xảo, đồ gốm sứ là thứ mà các bà nội trợ ghé xem và trả giá nhiều nhất. Người Đức thích đồ gốm, thích màu men trắng và đặc biệt chú ý đến những hoạ tiết.
Họ xem xét thận trọng và cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định mua một món đồ mình thực sự thích và thấy quý. Đồ gốm sứ được bày bán nhiều nhưng không phải món nào cũng có người động đến bởi một vẻ ngoài bóng bẩy không phải là yếu tố duy nhất để níu chân họ lâu bên một món đồ dù nó có quý đến đâu.
Với dân sành đồ gốm thì nhìn thấy một chiếc đĩa sứ với những hoạ tiết tinh xảo của Hà Lan ra đời năm 1910 hay chiếc đĩa gốm trắng tinh có từ năm 1832 hoặc chiếc đĩa tráng men xanh niên đại 1845 xuất hiện trên quầy bán đồ cổ đúng là trúng số độc đắc. Tuy nhiên, ấn tượng nhất vẫn là những chiếc đĩa sứ tráng men tuyệt đẹp với những kiểu dáng và hoạ tiết tinh xảo. Đồ gốm có xuất xứ khá đa dạng nhưng phần nhiều vẫn là từ vùng Bavaria nổi tiếng của Đức cũng như các đồ gốm sứ có xuất xứ từ châu Âu. Tuy nhiên gốm sứ của Hà Lan, Anh… cũng được bày bán khá nhiều. Mỗi món đồ có một giá trị riêng. Với người này nó đáng giá cả một gia tài còn với người khác lại không ý nghĩa gì.
-
3
Máy ảnh cổ bằng cả gia tài
Bên cạnh đồ gốm, máy ảnh và đồng hồ cổ được bày bán nhiều nhất và cũng được dân chơi hỏi thăm nhiều nhất. Máy ảnh chiến trường xuất hiện từ Thế chiến I và Thế chiến II khá phổ biến. Chúng có thể được bán… kèm trong ki-ốt bán bưu thiếp cổ đã hoen màu thời gian hay bày trong tiệm chỉ bán toàn những món đồ xuất hiện trong thời chiến.
Ở đây dân nghiền máy ảnh cổ có thể dễ dàng tìm thấy một chiếc Agfa Synchro Box “Made in Germany chính hiệu được sản xuất trong những năm 1950 vẫn còn bao da hoặc chiếc Exakta ra đời trước Thế Chiến II vẫn còn mới bên cạnh chiếc Rolleiflex đời đầu, model 2.8F năm 1929 cổ bóng lộn nằm hoành tráng trên chiếc giá mỹ miều được ông chủ hô “12000euro, không có cái thứ hai đâu”. Đến dân ngoại đạo còn bị chúng hút hồn nói gì đến các tay sưu tập máy ảnh cổ.
Còn đồng hồ thì khỏi phải bàn, từ quả quýt, quả lắc, đeo tay đến treo tường, để bàn…, từ loại vài chục đến vài trăm tuổi, từ đồng hồ vỏ đồng đến vỏ gỗ, từ hình tròn đến những hình thù… không định dạng nổi đều có cả. Có anh bạn người Việt mỗi lần sang Đức đi chợ đồ cổ chỉ thích ngắm và mua đồng hồ, mỗi lần mất ít nhất mấy chục euro mà chưa thấy chán. Hỏi “Có lần nào mua hố không?”, trả lời “Biết thế nào là hố, là đắt là rẻ vì đồ cổ thì vô cùng. Có cái mua rẻ nhưng với mình thì vô giá. Nếu là dân buôn, mua đồng hồ ở đây về bán đảm bảo lãi to. Cần lưu ý rằng đi chợ đồ cổ cũng phải có “mánh” riêng. Một lần lục trong chiếc thùng lớn tôi “vớ” được chiếc đĩa khắc gỗ cực kỳ tinh xảo, bèn ngửa mặt sau trông không khác gì cái thớt bẩn mang hỏi người bán hàng liền được trả lời: “2 euro!”. Nhưng nếu ngù ngờ lật mặt kia lên hỏi thì chắc giá phải gấp mười!”
Rất nhiều dân chơi đồ cổ Việt Nam đã khuân về được vô khối những món đồ quý bổ sung cho bộ sưu tập của mình qua những lần xuất ngoại như vậy. Ít nhất một lần họ vớ được những món đồ vô giá mà có khi nhiều năm sau mới biết mình đã gặp may.
Tuy nhiên, cách chơi của nhiều người VN đôi khi vẫn nghiêng về số lượng hơn, chơi nhiều nhưng chưa tinh. Khác với lối sưu tập của nhiều người Đức. Với nhiều người, quan trọng là phải tìm được món đồ thật độc, thật giá trị, thật hoàn hảo thay vì ôm về cả rổ. Bà Ute Krembe năm nay đã 71 tuổi là khách hàng thường xuyên của các khu chợ đồ cổ ở Berlin và thứ bà mua nhiều nhất, dĩ nhiên là đồ gốm sứ và bộ thìa bạc. “Tôi thích đi chợ đồ cổ thế này, hơi mệt nhưng vui, nhất là khi mua được bộ thìa đẹp thế này, chỉ có 10 euro thôi. Thường thì tôi không mua nhiều, có khi mấy tháng mới mua được món vừa ý nhưng có được rồi thì lại thích mãi”.
Chợ trời có một sức hút riêng, là một phần trong nhịp sống của Berlin thể hiện qua vô số những món đồ đã nhuốm màu thời gian, chứa đựng cả giá trị lịch sử và văn hóa. Chính vì thế mà trong bao năm qua, dù chẳng có nhiều thay đổi nhưng chợ trời Berlin vẫn luôn thu hút người mua người bán tấp nập dịp cuối tuần và để lại trong lòng du khách một nét văn hóa đẹp cứ cuốn hút người ta nhớ đến và quay lại.