Đến với phiên chợ vùng cao của Hà Giang vào những ngày chợ phiên trong tuần, trong tháng, chúng ta sẽ được thưởng thức một cách trọn vẹn nhất những nét độc đáo về văn hoá chợ của người vùng cao.
Đó không chỉ là sự hội tụ đa màu sắc trong trang phục của người dân địa phương, những cử chỉ thân mật trong nét sinh hoạt đời thường – họ gặp nhau, mời nhau ăn bát thắng cố, uống với nhau những bát rượu mang đậm hương vị quê nhà, mà còn được thưởng thức thêm nhiều trò chơi hấp dẫn mang đậm mầu sắc văn hoá dân gian như: Thi chặt mía, múa khèn… của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chợ vùng cao vừa là điểm hẹn văn hoá và cũng là nơi hội tụ, giao lưu đầy đủ các nền văn hoá của đồng bào các dân tộc đang sinh sống ở các địa phương Hà Giang từ xưa đến nay. Cách đi chợ của người vùng cao cũng thật độc đáo.
Không kể hàng hoá có giá trị kinh tế cao hay thấp, có khi là việc cắp nách một con gà, cầm trên tay một chục trứng, dắt theo một con lợn, con bò hay đơn giản chỉ vài bó mía, một quẩy tấu rau, quả các loại của gia đình, nhưng cách đi chợ đó lại chính là điều khiến chợ vùng cao có một dáng dấp riêng để phân biệt với chợ ở vùng xuôi và để gợi nên sự tò mò, hiếu kỳ của du khách mỗi khi đến thăm quan, du lịch.
Nhưng độc đáo hơn hẳn trong việc họp chợ phiên của một số địa phương chính là việc họp tính theo lịch của 12 con giáp. Người dân chỉ họp chợ vào một số ngày nhất định trong tháng luân phiên nhau, theo quan niệm của từng địa phương.
Điển hình như ở xã Lũng Pù (Mèo Vạc), đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông, theo thông lệ, chợ phiên của xã sẽ được họp luân phiên nhau vào ngày con chuột và con ngựa trong tháng. Đó chính là lý do khiến chợ vùng cao trở nên tò mò trong lòng nhiều du khách mới đến thăm quan lần đầu. Vì thế, chợ vùng cao thường là nơi hội tụ đầy đủ nhất những nét văn hoá độc đáo của người vùng cao, các quan niệm và tín ngưỡng của đồng bào.
Lý do này khiến chợ vùng cao vài năm trở lại đây đã trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong vài năm trở lại đây và ngành du lịch Hà Giang đã từng bước lồng ghép vào các tua du lịch của du khách đến thăm quan, chiêm ngưỡng Hà Giang. Điều này đã góp một phần không nhỏ đưa doanh thu của ngành lên một bước phát triển mới.
Năm 2005, doanh thu của ngành du lịch Hà Giang mới chỉ dừng lại ở con số 69.318 tỷ đồng, nhưng đến năm 2007 con số này đã tăng lên 135 tỷ đồng với khoảng gần 170 nghìn lượt người đến thăm quan, du lịch. Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu của du lịch đang tiếp tục khẳng định được giá trị đích thực của mình đối với sự phát triển chung của nền kinh tế tỉnh nhà với trên 125 tỷ đồng.
Đặc biệt, lượng khách quốc tế đến Hà Giang ngày càng đông đảo, đã chứng tỏ được những bước đột phá trong tiến trình phát triển của ngành du lịch đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh nhà trong những năm trở lại đây.
Chợ vùng cao và ngành du lịch đang dần tạo được một mối liên kết, thống nhất độc đáo trong các tua du lịch của Hà Giang hiện nay, ngành Du lịch đã từng bước đan xen, lồng ghép các tua du lịch để du khách vừa được chiêm ngưỡng các danh lam thắng cảnh vừa được thưởng thức văn hoá chợ vùng cao và cách họp chợ qua các phiên chợ phiên của Hà Giang.
Trước cơ chế thị trường hiện nay, chợ vùng cao vẫn đang giữ nguyên được những nét hoang sơ, dân giã vốn có của mình từ ngàn xưa để lại với những tập quán, tín ngưỡng đa mầu sắc. Vì thế, đến với chợ vùng cao Hà Giang là đến với một điểm du lịch văn hoá hẫp dẫn mang đậm phong cách của người vùng cao.