Di sản vô giá trên cao nguyên Đồng Văn

Cao nguyên đá Đồng Văn – Mèo Vạc đang được lập hồ sơ để công nhận là công viên địa chất quốc gia và gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu.

Dự kiến hồ sơ công viên địa chất (CVĐC) sẽ được hoàn thiện vào năm 2010. Giá trị di sản này dựa trên những giá trị địa chất cổ sinh, là thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Tuy nhiên, kết quả này có thể mất đi vĩnh viễn trước tình trạng nhiều người dân do chưa hiểu giá trị của đá, đang tàn phá cao nguyên đá.

Gần 20 năm dày công nghiên cứu

Khái niệm CVĐC ra đời ở Trung Quốc vào những năm 1985, được hiểu là một vài hay nhiều loại di sản địa chất, có ranh giới địa lý hành chính rõ ràng. Nhưng bên cạnh các giá trị địa chất địa mạo, trong phạm vi của khu bảo tồn còn hội tụ các giá trị về cảnh quan, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử, khảo cổ… Đặc biệt, khác với khu bảo tồn thiên nhiên thông thường, tất cả những giá trị đó cùng được nghiên cứu, đánh giá, trong đó có vai trò của cộng đồng được trực tiếp bảo tồn, khai thác và sử dụng một cách bền vững.

Đối chiếu với khái niệm này, từ năm 1993, Viện Khoa học địa chất và khoảng sản (VIGRM, Bộ TN-MT) đã tập trung thu thập, tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá hiện trạng bảo tồn di sản địa chất tại Việt Nam.

Một góc cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Trung Kiên

Tiến sĩ kinh tế (TSKT) Trần Tân Văn, Phó Viện trưởng VIGMR cho biết khu cao nguyên đá Đồng Văn – Mèo Vạc có tới 80% diện lộ đá vôi, được cấu tạo từ các điều kiện cổ môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau, rất có giá trị về lịch sử tiến hóa trái đất. Các kết quả nghiên cứu đều cho thấy trên cao nguyên đá Đồng Văn có mặt các trầm tích từ kỷ Đá vôi Cambri-Ordovic dày 800m, có niên đại 600- 400 triệu năm, kỷ Đá vôi Devon dày 300 m, niên đại 390-360 triệu năm, kỷ Đá vôi Carbon-Permi dày trên 1.00 0m và đá vôi Trias dày 400-600 m, niên đại 360-310 triệu năm.

Từ những kết quả này, VIGMR đã xây dựng được bản đồ địa chất tỷ lệ 1/200.000, thể hiện các di sản địa chất cổ sinh địa tầng, cấu trúc kiến tạo, khoáng sản; bản đồ địa mạo tỷ lệ 1/50.000 thể hiện các biểu hiện di sản địa chất, địa mạo, bộ bản vẽ hang động, bộ mẫu ảnh, mẫu vật phong phú.

VIGMR cũng chỉ ra khu vực cao nguyên đá Đồng Văn hội tụ trên 20 cảnh quan karst vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có giá trị làm giàu cảnh quan như: Vườn hoa đá Khau Vai, Vườn thú đá Lũng Pù, Bãi Hải cẩu Vân Chải, Hoang mạc đá Sảng Tủng… và hệ thống hang động phong phú.

Những giá trị cần được bảo tồn

Những giá trị địa chất cổ sinh, karst được các nhà khoa học nghiên cứu, tìm ra là cơ sở để lập hồ sơ xây dựng khu vực Cao nguyên Đồng Văn – Mèo Vạc trở thành CVĐC và tiến tới gia nhập hệ thống CVĐC toàn cầu. Đó là tín hiệu đang mừng không chỉ cho tỉnh Hà Giang, mà cả đất nước có thêm di sản thiên nhiên thế giới.

Đối với riêng người dân khu vực cao nguyên Đồng Văn – Mèo Vạc, khi được công nhận là CVĐC, người dân có thể trực tiếp tham gia vào việc bảo tồn di sản bằng hình thức phát triển sản phẩm du lịch ngay trong khu vực CVĐC. TSKT. Trần Tân Văn cho rằng, đó chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa CVĐC và các di sản thiên nhiên khác. 

Người dân có thể trực tiếp tham gia vào việc bảo tồn di sản bằng hình thức phát triển sản phẩm du lịch. Ảnh: Trung Kiên

Tuy nhiên, trong khi các nhà khoa học, cơ quan chức năng đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ công nhận CVĐC thì rất nhiều cảnh quan trong khu vực này đang đứng trước nguy cơ bị hủy hoại, xuống cấp.

TS. Vũ Cao Minh cho biết, các di sản về lịch sử tiến hóa trái đất ở cao nguyên Đồng Văn như: Khu vực Ma Le, Lũng Cú, đèo Si Phai (thị trấn Đồng Văn) rất có giá trị về nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo đang rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương do điều kiện thiên nhiên và đặc biệt là sự tàn phá của con người.

“Các cảnh quan, danh thắng như: Vườn hoa đá Khau Vai, Vườn Thú đá Lũng Pù, bãi hải cẩu Vân Chải… và hàng loạt hang động ở khu vực này đang bị người dân địa phương tàn phá một cách vô ý thức. Các giá trị mà thiên nhiên phải mất hàng chục triệu năm mới kiến tạo được cho con người đang dần bị mất đi vĩnh viễn”, TS Minh nhấn mạnh.

 

Ông Nguyễn Trùng Thương, Giám đốc Sở VH – TT Hà Giang cho biết, UBND tỉnh vừa quyết định thành lập Trung tâm bảo tồn công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn. Trung tâm đã tiến hành cắm biển 8 điểm quan trọng nhất, dày đặc di tích để giao cho UBND xã bảo vệ. Trung tâm cũng đang xúc tiến kêu gọi sự đóng góp, tham gia của doanh nghiệp xây dựng và khai thác giá trị du lịch của những khu vực này.

 

Theo Báo Đất Việt