Đường ống nước màu hồng, Cầu Tự sát… là những biểu tượng vô cùng đặc biệt của các thành phố nổi tiếng như Berlin hay Prague…
Khi nhắc tới một thành phố, chúng ta thường sẽ gắn chúng với một biểu tượng nào đó. Ví dụ, nhắc tới Rome là nhắc tới Đấu trường Colosseum và 10 triệu chiếc scooter, hay San Francisco là địa điểm tuyệt vời cho đạo diễn Michael Bay làm phim, hay Paris là tháp Effel và bảo tàng Louvre…
Thế nhưng, các thành phố dưới đây lại nổi danh vì những điều hết sức quái dị, khác thường…
1. Berlin – thành phố “đường ống màu hồng”
Cái tên trên có lẽ quá xa lạ với những ai chưa từng đặt chân tới thủ đô nước Đức. Tuy nhiên, chỉ cần một lần tới thành phố này, bạn sẽ hiểu được nguyên nhân. Đó là vì Berlin được bao quanh bởi một hệ thống đường ống nước sơn màu hồng rất kỳ quái.
Vậy, hệ thống đường ống trên được xây dựng nhằm mục đích gì? Câu trả lời hiện lên trong chính cái tên của thành phố. Trong ngôn ngữ cổ, Berlin vốn có nghĩa là “thành phố đầm lầy”. Điều đó có nghĩa, thủ đô nước Đức hàng ngày hàng giờ phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ với nền đất bên dưới rất yếu. Mặt khác, mực nước ngầm chỉ cách mặt đất 1,8m cũng có nguy cơ dâng cao và biến Berlin thành Venice của Đức bất cứ lúc nào.
Chính vì thế mà chính quyền nơi đây đã cho xây dựng một hệ thống thoát nước khổng lồ bao quanh thành phố, điểm khởi đầu là quảng trường Potsdamer Platz. Để đảm bảo tính thẩm mỹ, các kiến trúc sư đã quyết định chọn màu hồng để sơn cho các đường ống này.
2. Tokyo với đường hầm thoát hiểm tránh thiên tai
Tokyo (Nhật Bản) là một trong những thành phố công nghiệp hiện đại song phải hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới. Trong thập niên 1950 và 1960, thành phố này thường xuyên gặp bão lớn và những trận lụt khủng khiếp, tàn phá nặng nề nền kinh tế Nhật Bản.
Thành phố Tokyo xinh đẹp luôn đứng trước nguy cơ bị thiên tai đe dọa, tàn phá
Tuy nhiên, thay vì kêu trời kêu đất, người dân xứ sở hoa anh đào đã quá quen “sống chung với lũ”. Thậm chí, họ còn tìm ra biện pháp để đối phó, chống chọi lại những thảm họa này.
Cụ thể, chính quyền Tokyo đã dành rất nhiều tiền bạc và của cải nhằm xây dựng nên một đường hầm khổng lồ nhằm phòng tránh khi có thiên tai như động đất, bão lụt xảy ra. Công trình được xây dựng trong 13 năm, từ 1993 tới 2006 và tiêu tốn tới 3 tỷ USD (hơn 63.000 tỷ đồng).
Hệ thống dài gần 6km với những đường hầm lớn và 5 cửa thoát hiểm được vận hành bởi tua-bin công suất 14.000 mã lực, có thể thoát xấp xỉ khoảng 400.000m3 nước ra sông Edo. Hiện nay, trước tình trạng biến đổi khí hậu, các nhà chức trách địa phương đã và đang lên kế hoạch xây dựng những hệ thống đường hầm tiếp theo như vậy trong tương lai không xa.
3. Prague – thành phố với cây cầu Tự sát
Prague – thủ đô của Cộng hòa Czech, là một trong những thành phố đẹp nhất châu Âu với dòng sông êm đềm và những căn nhà cổ kính mang lại một cảm giác hết sức dịu êm của đất nước Đông Âu.
Thế nhưng nếu tìm hiểu kỹ, bạn sẽ phát hiện ra những nét… kì quặc của thành phố này. Ở Prague không hề thiếu những pho tượng, đài tưởng niệm và nghĩa trang đáng sợ, nằm giữa những công trình kiến trúc tuyệt đẹp.
Và đây là điểm ghê gớm nhất của thành phố này: cầu Nusle. Đây là cây cầu cao 42m, dài hơn 480m và cắt ngang qua các khu dân cư của Prague. Được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh lạnh, cầu Nusle còn có tên khác là Nuselsky Most. Tuy nhiên, cái tên được nhiều người biết tới nhất về địa danh này, đó là “Cầu Tự sát”.
Một cây cầu luôn phảng phất không khí u ám, đáng sợ
Cái tên này xuất phát từ một hiện trạng đáng buồn. Từ năm 1973 tới này, đã có từ 200 – 400 người tìm tới cầu để… tự tử. Thậm chí, theo lời những cư dân sống xung quanh, cây cầu vào ban đêm càng trở nên đáng sợ bởi những âm thanh la hét đến rợn người.
4. London và những con sông bị lãng quên
Khi nhắc tới con sông ở London, hẳn là ai cũng sẽ nói tới sông Thames. Sự thực là riêng ở London có tới 21 con sông khác nhau, và đều là những dòng chảy lớn đổ vào sông Thames.
Tuy nhiên, phần lớn trong số các con sông trên chỉ tồn tại trong quá khứ lịch sử mà thôi. Vào thời kỳ trung cổ tại Anh, thành phố London tiêu thụ lượng nước vô cùng lớn: từ sinh hoạt cho tới hoạt động kinh tế, du lịch… Theo thời gian, dân số ngày một đông đúc khiến các dòng sông ở London bị nhiễm bẩn và cạn kiệt.
Đầu tiên là sông Walbrook – dòng sông đầu tiên của thành phố bị vét cạn năm 1460. Tới năm 1710, sông River Fleet lại bị nắn dòng bởi khi đó con sông này hầu hết chứa phân và xác chó.
Dần dần, những con sông ở London chuyển từ nguồn cung cấp nước thành những dòng nước bốc mùi đáng sợ. Cuối cùng, chính quyền nơi đây đã quyết định chôn vùi chúng xuống đáy cơ sở hạ tầng. Cho tới ngày nay, các con sông trên vẫn tồn tại, nhưng được giấu kín ở những ngóc ngách xó xỉnh của London.