Đi tìm phiên bản “đời thực” của những loài động vật trong “Cậu bé rừng xanh” The Jungle Book

0
106

Có ít nhất một loài sinh vật xuất hiện trong bom tấn điện ảnh “live action” the Jungle Book mới nhất của Disney đã tuyệt chủng.

Trong khi những câu chuyện về tình bạn, tình đồng loại và cộng đồng được rút ra từ bộ phim luôn có vị trí vững chắc trong lòng khán giả thì sự tồn tại của các loài đồng vật trong tác phẩm của Kipling lại không như vậy. Thậm chí, cách đây một thế kỷ, tác giả cũng đã lo lắng về những tác động của con người đối với tự nhiên và nhiều loài động vật mà ông đã mô tả hiện giờ đang có nguy cơ tuyệt chúng. Bài viết này sẽ giúp bạn nắm được phiên bản “đời thực” của những sinh vật đáng thương ấy.


The Jungle Book – phiên bản hoạt hình năm 1967 của Disney

Cho những ai chưa biết đến The Jungle Book (Cậu bé rừng xanh) thì đây là một tuyển tập truyện ngắn của tác giả Rudyard Kipling được xuất bản vào năm 1894 xoay quanh câu chuyện về những chuyến phiêu lưu của chú bé Mowgli – một cậu bé mồ côi được đàn chó sói nuôi dưỡng trong rừng già Ấn Độ. Sau một thời gian sinh sống và cảm thấy những mối đe dọa nếu tiếp tục ở lại mái nhà tự nhiên này bởi Shere Khan – một con hổ hung dữ từng bị loài người tấn công, Mowgli đã quyết định rời khỏi “làng sói” này và bắt đầu bước vào chuyến phiêu lưu kỳ thú dưới sự dẫn đường của báo đen Bagheera và gấu Baloo. Suốt chuyến hành trình, cậu bé rừng xanh đã phải đối mặt với rất nhiều sinh vật xấu xa khác như Kaa – con trăn có đôi mắt đầy mê hoặc hay King Louie – khỉ đột với khả năng nói tiếng người cố ép buộc Mowgli hé lộ công thức tạo ra “bông hoa đỏ” lập lòe, được gọi là Lửa.

Báo đen Bagheera

Loài báo đen như Bagheera không phải là loài vật đã tuyệt chủng mà chính xác là những biến thể màu sắc của báo đốm được phát hiện ở châu Á và châu Phi cũng như báo đốm Mỹ có nguồn gốc ở Nam Mỹ. Kipling đã thừa nhận điều này khi ông mô tả Bagheera là “toàn một màu đen như mực nhưng những vạch sáng nhất định trên cơ thể báo đốm giống như tấm lụa có vân sóng vậy”.


Báo đen là những biến thể “màu đen” từ loài báo đốm

Báo đốm có địa bàn sinh sống rộng nhất trong họ nhà mèo trên thế giới nhưng chúng cũng đồng thời là loài bị hại nhiều nhất. Có khả năng là bởi vì báo đốm có thể sống ở nhiều nơi có điều kiện sống không nhất thiết phải đạt mức tối ưu như khu vực rìa thành phố – nơi mà chúng có nhiều khả năng sẽ tiếp xúc với con người. Chúng cũng bị săn đuổi bởi con người với mục đích buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, chẳng hạn như sử dụng để phục vụ sản xuất thuốc trong lĩnh vực y học cổ truyền ở Trung Quốc.
“Chúng bị giết và bị giam cầm ngày càng nhiều – đây thực sự là một vấn đề”, Alan Rabinowitz – CEO của Panthera – Tổ chức toàn cầu chuyên bảo tồn những giống mèo hoang dã cho biết.
Ông và những chuyên gia khác đã theo dõi về “dân số” của loài báo đốm để xem thử liệu rằng họ có nên xem xét lại cấp độ bảo tồn của loài mèo, được phân loại bởi Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (International Union for Conservation of Nature – IUCN) để chuyển chúng từ cấp độ “near threatened” (Sắp bị đe dọa) sang “vulnerable” (Sắp nguy cấp).

Gấu Baloo

Danh tính thật sự của chú “gấu xám hay buồn ngủ” của Kipling có một chút bí ẩn: Mô tả trong tập truyện về thể chất của Baloo thì đây là một chú gấu lười (Sloth Bear) nhưng chế độ ăn toàn các loạt hạt và mật ong lại đi ngược lại hoàn toàn với các tài liệu ghi rằng loài vật này thích ăn côn trùng. Cái tên Baloo – trong tiếng Hindustani đơn giản có nghĩa là “chú gấu” lại không hề có thêm bất cứ một gợi ý bổ sung nào cả.


Gấu Baloo có khả năng là những chú gấu lười

“Vấn đề ở đây là The Jungle Book chỉ là một tác phẩm viễn tưởng và tất cả các nhân vật của Kipling đều có sự trộn lẫn giữa những loài vật trong đời thực và trí tưởng tượng của tác giả. Do đó, thật không thể biết được chắc chắn về từng loài vật đó”. Đây là khẳng định của Kaori Nagai – một học giả nghiên cứu về Kipling tại Đại học Kent. Tuy nhiên, Kipling cũng đã sử dụng những ghi chép của các nhà tự nhiên học từ thế kỷ 19 trong khi viết bản nháp của cuốn sách này và một trong các nguồn được dẫn ra đó là tài liệu lịch sử tự nhiên năm 1884 đã ghi chú rằng những loài gấu lười “được xem như là một người ăn chay theo thói quen”. Vì lý do này mà gấu lười có xu hướng ngủ nhiều hơn vào ban ngày và có thể tìm thấy chúng ở hầu khắp Ấn Độ. Hầu hết các học giả cũng đồng ý rằng Baloo có khả năng phù hợp với tập tính này. Và bộ phim hoạt hình năm 1967 của Diney cũng có cảnh quay Baloo dạy cho Mowgli cách ăn những con kiến.

Những chú gấu lười chỉ được tìm thấy ở Pakistan, Sri Lanka và Ấn Độ hiện đã được đưa vào danh sách “Sắp nguy cấp” (Vulnerable) của IUCN nhưng chúng “sống khá phổ biến và an toàn ở Ấn Độ xét về mặt bảo tồn, mặc dù chúng đang có nguy cơ bị săn bắt để lấy túi mật nhằm mục đích buôn bán trái phép” (Theo Ullas Karanth, giám đốc của Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã của Ấn Độ). Karanth cũng bổ sung rằng, những chú gấu này cũng sống rất nhiều tại các khu bảo tồn ở Ấn Độ – “nơi mà chúng đặc biệt thích nghi với tập tính ăn những con mối và rất thèm khát mật ong”.

Hổ Shere Khan

Kẻ thù của Mowgli – hổ Shere Khan – thuộc loài hổ Bengal, là mối đe dọa lớn của các nhân vật trong tác phẩm của Kipling. Theo những thống kê mới thì hiện tổng đàn hổ trên toàn thế giới có khoảng 3.890 con và khoảng một nửa trong số đó sống ở Ấn Độ. Con số này tăng đáng kể so với năm 2010 – khi chỉ có 3.200 con được cho là vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thuyết phục rằng con số tăng lên này thể hiện một sự phục hồi của “những con mèo lớn” và dữ liệu mới đây được công bố bởi IUCN cũng cho biết rằng phạm vi sinh sống của loài hổ trên toàn cầu đã giảm khoảng 40% so với năm 2010.


Hổ Shere Khan là loài vật nguy hiểm nhất trong tác phẩm của Kipling

“Rất nhiều người đã ca ngợi đây là một thành công rất lớn trong việc bảo tồn hổ”, Rabinowitz nói, “Trong thực tế, đó là một thành công rất lớn trong việc đánh giá số lượng hổ”. Ông đặt niềm tin nhiều hơn vào các chiến lược và công nghệ được sử dụng trong điều tra dân số đối với sự tăng lên rõ ràng này.

Ở Ấn Độ – nơi có sự đầu tư nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong việc đánh giá và bảo vệ loài hổ thì có cả tin tốt và tin xấu. Môi trường sống của loài hổ tại nhiều khu vực ở đây vẫn tiếp tục giảm sự phát triển và hiện tượng săn bắt vẫn diễn ra tràn lan tại một số địa điểm nhất định. Tuy nhiên, một vài loài mèo có kích thước lớn lại bắt đầu di chuyển giữa những khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt và “dân số” ở các nơi khác lại khá ổn định hoặc có sự tăng lên. Rabinowitz nói rằng nhìn chung “Ấn Độ làm khá tốt và cũng là đất nước có đóng góp chủ yếu vào việc bảo tồn loài hổ hoang dã”.

Sói già Akela và Raksha

“Bố mẹ” nhận nuôi Mowgli là những loài chó. Chúng đơn giản là những chú chó sói sống ở Ấn Độ. David Mech – nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Cục khảo sát địa chất Hoa Kỳ (U.S. Geological Survey) cho biết “Chó sói – chú chó sói phương Bắc (Canis Lupus), sống ở khu vực quanh cực nên chúng có mặt hầu khắp trên thế giới. Chó sói ở Ấn Độ giống với loài sói sống ở Minnesota, Canada hoặc bất cứ nơi nào khác”.


Hiện nay, sói thực sự rất “hiền” ở Ấn Độ

Được liệt kê vào danh sách “ít lo ngại” (least concern) bởi IUCN, những chú chó sói sống an toàn ở Ấn Độ – nơi chúng sống rải rác tại nhiều vùng nông thôn của đất nước này. Tuy nhiên, điều mà chúng không làm là không nhận nuôi những em bé. Theo Mech, “Không có bằng chứng về một đứa trẻ nào được nuôi thật sự bởi những con sói cả”.

Rắn Kaa

Kaa – loài rắn quỷ quyệt thuộc giống trăn đá ở Ấn Độ – một con rắn thuộc họ rắn không có độc (nonvenomous) có thể có chiều dài lên tới 21 feet (khoảng 6,4m). Những chiếc xe hơi là mối đe dọa lớn nhất của trăn đá, tiếp theo là sự phá hủy môi trường sống và sự giết hại có chủ đích của những người dân trong làng.


Những loài trăn đá không có nọc độc đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống và nạn săn bắt trái phép

Bubesh Guptha – nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu về thế giới hoang dã tại Rừng Pitchandikulam ở phía Nam Ấn Độ chia sẻ, “Mọi người sợ và giết trăn đá bởi vì họ nhầm lẫn chúng với những loài rắn có độc”. Những con rắn cũng luôn là nhu cầu cao để phục vụ cho các hoạt động buôn bán động vật ra nước ngoài. Cho đến bây giờ, trăn đá đã được liệt kê vào danh sách “sắp bị đe dọa” (near threatened) và Ấn Độ cũng thiết lập một chương trình nuôi động vật và trung tâm phục hồi chức năng cho những con rắn, bên cạnh việc nghiêm cấm các hoạt động buôn bán trái phép.

Khỉ đột King Louie

Khỉ đột King Louie luôn gắn liền với thế giới hoang dã trong các bộ phim điện ảnh. Kipling không hề đưa nhân vật này vào trong cuốn sách này của ông nhưng việc Disney giới thiệu về một chú đười ươi vui nhộn thường đu trên các cành nho trong bộ phim hoạt hình năm 1967 ngay lập tức đã gây được sự chú ý mạnh mẽ. Tuy nhiên, có một vấn đề đó là đười ươi không sống ở Ấn Độ. Các loài khỉ lớn bị đe dọa chỉ được tìm thấy ở những khu rừng mưa nhiệt đới bị suy giảm ở Borneo và Sumatra.


Mô hình Gigantopithecus tại một bảo tàng

Thay vì giữ lại sự sai lầm về địa lý này, nhóm sản xuất phim The Jungle Book 2016 của Disney đã sửa chữa bằng cách thực hiện một ý tưởng mới – một sự sáng tạo mà cho phép họ có một “vu khỉ đột” thật sự và đặt nhân vật này vào đúng vị trí của nó. Khỉ đột King Louie của ngày hôm nay là Gigantopithecus – một loài vượn người từng sống ở những khu rừng khắp vùng phía Nam Trung Quốc, Đông Nam Á và Ấn Độ.

Các chuyên gia biết rất ít về những sinh vật này, kể cả chúng thực sự trông như thế nào bởi vì họ chỉ có vài bộ xương hàm và hàm răng có men để nghiên cứu. Hiện nay, tất cả những gì chúng ta biết chắc chắn là Gigantopithecus phù hợp với “cây tiến hóa” của loài vượn châu Á và có khả năng rất giống với đười ươi hiện đại – mặc dù chỉ cao khoảng 9 feet (khoảng 2,7 met).

Những mẫu hóa thạch trẻ nhất của Gigantopithecus có niên đại cách đây khoảng 400.000 năm mặc dù Russell L. Ciochon – nhà nhân chủng học tại Đại học Iowa hiện đang nghiên cứu các hang động để tìm kiếm các bằng chứng về sự xuất hiện của loài này trong thời gian gần đây hơn. Bất kể sự không phù hợp về mặt thời gian nhưng Ciochon cũng đồng ý về sự xuất hiện của Gigantopithecus trong phiên bản 2016 của “Cậu bé rừng xanh”.


Hàm dưới của vượn Gigantopithecus

“Tôi đã nghiên cứu về Giganto một thời gian dài và giờ đây, tôi đã tìm thấy nó là một ngôi sao điện ảnh”, ông nói, “Ngoại trừ khủng long thì bạn không thực sự nhìn thấy điều gì đó đã xảy ra rất lớn với những sinh vật tuyệt chủng này cả”.

Bác sĩ giải phẫu Franz Weidenreich (1873–1948) đã đưa ra giả thuyết cho rằng Gigantopithecus là một tổ tiên khổng lồ của con người hiện đại.


Một bức tượng hình dung của họa sĩ bảo tàng về hình dáng loài vượn Gigentopithecus thời tiền sử, tại Bảo tàng nam giới San Diego ở California

Vào lúc đó Weidenreich chỉ tiến hành nghiên cứu với 4 chiếc răng. Trải qua nhiều thập kỷ khi có thêm nhiều xương hàm dưới được phát hiện và xuất hiện thêm nhiều chiếc răng, các nhà khoa học đã bác bỏ ý kiến của Weidenreich và bắt đầu xây dựng nhiều mô hình dựa trên giả thuyết cho rằng Gigantopithecus là một loài vượn khổng lồ từ thời tiền sử. Bộ hàm có hình dáng tương tự loài vượn. Răng của chúng cũng có sự tương đồng về cấu trúc so với loài vượn cổ đại Sivapithecus tồn tại cách đây khoảng 10 triệu năm về trước.


Một trong số những bộ xương hàm hiếm hoi đã được phát hiện của loài Gigantopithecus. Trong bộ sưu tập của trường Cao đẳng Wooster, bang Ohio, Mỹ

Chưa tìm thấy hóa thạch các bộ phận khác của loài sinh vật này, nên rất khó để kết luận nhiều về chúng. Kích cỡ của loài vượn này được ước tính dựa vào kích cỡ của răng và xương hàm, và cấu trúc của nó được cho là giống với loài vượn, tức là gập người xuống đứng bằng cả bốn chi. Giả định đây là một loài vượn và không phải là chủng giống người (hominini) khổng lồ (hominini là một phân loại khá mới ám chỉ chủng giống vốn có liên hệ gần gũi với con người), thì liệu có khả năng Gigantopithecus chính là người tuyết Yeti, hay dã nhân Bigfoot trong các câu chuyện thời nay hay không? Mặc dù người ta cho rằng loài sinh vật này đã tuyệt chủng khoảng 200.000 năm về trước, gần giai đoạn cuối thời kỳ Pleistocene, nhưng một số người cho rằng chúng có thể vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

 

Theo Nắng Mai – National Geographic