Khi môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi hay chỉ vì ăn một đồ ăn lạ, uống thuốc mới cũng khiến nhiều trẻ có biểu hiện nội mụn, ngứa, nặng nề hơn còn ho dữ dội, phù toàn thân và khó thở, nôn mửa. Đó có thể là dấu hiệu của dị ứng khi trẻ tiếp xúc với yếu tố lạ.
Nhiều mẹ thường nghĩ đơn giản rằng dị ứng là vấn đề chẳng mấy “to tát” và chỉ cần mua thuốc cho con uống là xong. Nhưng thực tế, nếu không được quan tâm đúng mức, dị ứng cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của con. Thế nên các mẹ đừng lơ là những dấu hiệu dị ứng ở trẻ nhé!
Để có thêm những thông tin về các dấu hiệu khi con bị dị ứng cũng như có cách xử lý đúng đắn, kịp thời, mẹ hãy tham khảo những chia sẻ của mẹ Mèo Mun dưới đây nhé!
Làm sao biết được con bị dị ứng?
Dị ứng là một rối loạn quá mẫn của hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Phản ứng dị ứng nhằm chống lại các tác nhân vô hại trong môi trường. Các mẹ có thể hiểu đơn giản đó là phản ứng của cơ thể nhằm chống lại các yếu tố lạ trong môi trường khi vào cơ thể.
Dị ứng diễn ra nhanh chóng và có nhiều dấu hiệu báo trước. Mẹ có thể dễ dàng thấy sau khi tiếp xúc một yếu tố nào đó trẻ có biểu hiện như: hay dụi mắt, mắt đỏ, chảy nước mắt/nước mũi, ho, hắt hơi,…sau đó có thể thấy da xung quanh đỏ nổi cục to hơn nốt muỗi đốt. Ngoài ra cũng có những phản ứng dị ứng rất nặng nề thường do dùng thuốc hoặc côn trùng đốt. Trẻ có biểu hiện khó thở, khò khè, nôn mửa, thậm chí có khi tử vong.
>> Xem thêm: Học mẹ thông thái cách “bắt bệnh” cực chuẩn cho bé yêu
Các cơ quan hay bị ảnh hưởng
– Mũi: nề đỏ, chảy nước mũi, ngạt mũi
– Mắt: đỏ mắt, chảy nước mắt. Mẹ có thể phân biệt với đau mắt đỏ là khi bị dị ứng sẽ không có rỉ mắt (ghèn).
– Hệ hô hấp: ho liên tục, hắt hơi. Khó thở do co thắt khí quản, thở khò khè. Trường hợp nặng có thể lên cơn hen suyễn.
– Da, niêm mạc: da nổi nhiều ban đỏ kích thước khác nhau, ngứa.
– Tai: ù tai, đau
– Hệ tiêu hoá : đau bụng, nôn, tiêu chảy
Các tác nhân gây dị ứng
Môi trường: sự ô nhiễm, khói bụi, vệ sinh không đảm bảo làm nhiều người bị dị ứng, nhất là trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch chưa phát triển như người lớn, khói bụi đôi khi chính là yếu tố lạ làm cơ thể phản ứng để bảo vệ. Có nhiều trẻ khi sống ở nơi nhiều khói, bụi thường hay bị dị ứng nhưng khi chuyển sang môi trường khác trong lành hơn thì thấy những triệu chứng này sẽ giảm rõ. Dị ứng này thường hay tái phát.
Thực phẩm: là loại dị ứng hay gặp nhất. Các loại hạt đặc biệt hay gây phản ứng với trẻ em tuổi đi học. Vì thế, khi cho con ăn các loại hạt như: lạc (đậu phộng), đậu, óc chó,… các mẹ nên cho bé ăn thử 1 ít trước, nếu không có hiện tượng gì mới nên cho các con sử dụng tiếp. Các loại thực phẩm giàu protein như: cá hồi, cua, ghẹ, tôm, nhộng,.. cũng rất dễ khiến trẻ bị dị ứng nên mẹ phải cực kì cẩn thận. Ngoài ra nếu bản thân mẹ bị dị ứng với loại thực phẩm nào thì khả năng các con bị dị ứng loại thực phẩm đó là khá cao.
Thuốc: các thuốc gây dị ứng thường là các loại kháng sinh. Với trẻ dị ứng thức ăn thì càng phải cẩn thận khi dùng thuốc. Trước khi dùng loại thuốc gì các mẹ nên nói rõ con mình bị dị ứng những gì với bác sĩ. Dị ứng thuốc rất nguy hiểm, nhiều mẹ tự ý cho con uống thuốc, dù chỉ là kháng sinh nhẹ nhưng sau khi đó thấy mắt bé sưng húp híp, nổi đầy ban ngứa và phải nhập viện. Thậm chí có những trường hợp trẻ rơi vào tình trạng hôn mê và tử vong.
Ngoài ra, bất kỳ yếu tố ngoài môi trường nào như phấn hoa, nhựa cao su, lông động vật, thảm trải sàn nhà,… các mẹ chỉ cần chú ý quan sát bởi rất có thể chúng cũng là nguyên nhân gây dị ứng cho con.
Điều trị và phòng bệnh dị ứng cho trẻ
Việc tránh xa các yếu tố gây dị ứng là cách phòng bệnh hiệu quả nhất, nhưng nếu bé nhà các mẹ dị ứng với khói bụi, thời tiết thì rất khó và trẻ cần dùng thuốc để điều trị, tuy nhiên, khi sử dụng thuốc phải luôn tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý cho trẻ uống hoặc tăng/giảm liều, bỏ thuốc. Ngoài ra để tăng cường sức đề kháng cho con, các mẹ nên bổ sung thêm vitamin, đặc biệt là vitamin C từ hoa quả, thức ăn, rau củ,… Chế độ ăn phải đảm bảo vệ sinh, mẹ cũng nên rèn cho bé thói quen uống nhiều nước, ít nhất là 1,5lít mỗi ngày, ngoài ra các hoạt động thể dục, thể thao cũng rất tốt để trẻ khỏe mạnh hơn, thích nghi với môi trường tốt hơn,…
Chỉ cần mẹ quan tâm, chú ý đến chế độ sinh hoạt, ăn uống,… của con là có thể ngăn chặn rất nhiều nguyên nhân gây dị ứng, cũng như giảm mức độ dị ứng của trẻ. Tuy nhiên, nếu không được quan tâm đúng mức, dị ứng có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ, vì vậy mẹ đừng bao giờ lơ là nhé!
Mẹ Mèo Mun
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.