Điềm báo ở Vatican?

Điềm báo ở Vatican?

Vài giờ sau tuyên bố thoái vị của Giáo hoàng Benedict XVI, lần lượt 2 tia sét đã giáng thẳng vào ngọn tháp ở nhà thờ, vốn được xem là một những nơi linh thiêng nhất của đạo Công giáo.

Sự thoái vị đầy bất ngờ từ người lãnh đạo tinh thần của Vatican đã đến cùng với điềm chẳng lành. Đó là kết luận của không ít người sau khi mạng internet và báo chí lan truyền bức ảnh cho thấy một tia sét dài ngoằng xẻ dọc bầu trời và đánh thẳng vào tháp trên Vương cung Thánh đường Thánh Phê rô. Nơi đây – trong nhiều trường hợp – được xem là hình ảnh đại diện cho Giáo hội Công giáo Roma và thành phố Vatican, theo NBC News. Vài giờ sau đó, sét đánh vào nơi này một lần nữa. Phải chăng tia sét trên là một điềm báo nào đó, hay chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Điềm báo ở Vatican?
Hình ảnh tia sét đang gây xôn xao cộng đồng mạng – (Ảnh: AFP)

Giới chuyên gia không chắc chắn lắm về khía cạnh tâm linh, và tất nhiên họ thiên về khoa học hơn. Đây có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, do một cơn bão cũng đồng thời hình thành trên bầu trời thành phố Ý trong ngày đặc biệt đó. Có lẽ nhiều người sẽ thở phào nhẹ nhõm khi biết được, trên thực tế, các biểu tượng tôn giáo luôn là mục tiêu thường xuyên của sét, đơn giản chúng thường là kiến trúc cao nhất trong khu vực. Cộng thêm một yếu tố quan trọng nữa rất hấp dẫn với sét: các cột, tháp thường làm bằng kim loại. Vì vậy chuyện trúng sét không phải là điều gì quá bất thường ở các khu vực đặt biểu tượng tôn giáo.

Chẳng hạn như trường hợp của tượng Chúa Kitô Cứu thế ở Rio de Janeiro (Brazil) cao đến 30m, chưa tính bệ 6m và được đặt trên đỉnh núi Corcovado cao 700m. Kể từ khi được hoàn thành vào năm 1931, bức tượng khổng lồ đã bị sét đánh trúng vài lần. Những vật thể thế tục cũng không thoát được cơn thịnh nộ từ trời cao. Từ máy bay đến tượng nữ thần Tự do hoặc tòa nhà Empire State ở New York, đâu cũng là “nạn nhân” khá thường xuyên của tia sét. Đáng kể nhất là trường hợp bức tượng chúa ở bắc Cincinnati (bang Ohio), cao khoảng 15,5m, bị sét đánh cháy sém, chỉ còn trơ lại phần khung kim loại cháy đen vào năm 2010, theo AP.

Trở lại trường hợp của Vương cung Thánh đường Thánh Phê rô, nó là kiến trúc mái vòm cao nhất thế giới với chiều cao 137m tính từ nền đến cây thập tự giá, đã được Giáo hoàng Clement VIII ra lệnh lắp đặt vào thế kỷ thứ 16. Với chiều cao của nhà thờ như thế, vào một ngày bão đến, sét đánh cũng không phải là chuyện lạ.

 

Theo Thanh Niên