Đôi lúc, khi chúng ta chủ động nhớ đến điều gì đó, sự chú ý của chúng ta dường như sẽ rà qua từng ngăn dữ liệu trong não bộ một cách có hệ thống, hệt như những chú ong kiếm mật hết chuyển từ bông hoa này sang bông hoa khác. Khởi đầu từ giả thuyết thú vị ấy, các nhà khoa học Anh đã quyết định bắt tay vào quá trình kiểm chứng xem: liệu có phải não bộ của con người khi nhớ hoạt động giống cách một chú ong đi kiếm mật hay không?
Thông thường, khi muốn kiếm mật, những chú ong sẽ tìm đến một vườn đầy hoa hay một đồng cỏ rộng rồi sà xuống từng khóm hoa hút mật. Nếu không tìm được mật trong khóm hoa này, chúng sẽ lại bay đến những khóm khác, tiếp tục cần mẫn, chuyên tâm vào công việc. Và có lẽ, trong hành trình lục lại ký ức, lần theo trí nhớ, bộ não của con người cũng hoạt động tương tự như cách thức mà những chú ong tìm mật.
Để chứng minh điều này, Tiến sĩ Thomas Hills thuộc trường Đại học Warwick (Anh) và các cộng sự đã yêu cầu 141 sinh viên trường Đại học Indiana, Bloomington (Hoa Kỳ) liệt kê tên tất cả các loài động vật mà họ nghĩ ra trong vòng 3 phút. Kết quả, trung bình mỗi sinh viên kể được tên 37 loài động vật, đáng chú ý là cách sắp xếp của họ thường phân theo từng nhóm có chung đặc điểm nào đó, như vật nuôi hay thú hoang chẳng hạn.
Giờ là lúc nhóm nghiên cứu của TS. Hills tiến hành xác minh cách các sinh viên chuyển từ khu dữ liệu này sang khu dữ liệu khác khi nhớ tên động vật có giống với cách mà một số loài động vật chuyển từ chỗ thức ăn này sang chỗ thức ăn kia không.
Trước tiên, Thomas Hills áp dụng công thức toán học để phân loại sơ bộ các câu trả lời, sau đó ông tiến hành mã hóa một chương trình máy tính nhằm tính toán khả năng một sinh viên có thể kể ra tên một loài nhất định, dựa trên những cái tên sinh viên đó đã liệt kê. Nếu ai đó bắt đầu với “mèo” chẳng hạn, họ có khả năng sẽ kể tiếp tới “chó” hơn là “ngựa vằn”. Khi chương trình bắt gặp một cặp từ trượt so với dự đoán, được theo sau bởi một cặp từ có khả năng ghép đôi cao hơn, nó sẽ hiểu đây là một bước chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác – như việc chuyển từ các loài vật nuôi trong nhà tới các loài động vật sống ngoài hoang mạc chẳng hạn.
Sau khi kiểm chứng bằng chương trình mới, bản thân những sinh viên tham gia trả lời đã độc lập khẳng định rằng chương trình đã nắm bắt các bước chuyển một cách khá chuẩn xác. Đem so sánh kết quả phân tích cách sinh viên định hướng trí nhớ với cách mà các mô hình tìm kiếm tối ưu dự đoán câu trả lời của họ, nhóm nghiên cứu nhận định: cách lục tìm trí nhớ của con người hệt như cách những chú ong trên cánh đồng hoa dại vẫn thường làm.
Quay trở lại trường hợp trong thử nghiệm của TS. Hills, rõ ràng khi nhớ, hầu hết sinh viên đều “nhảy” qua các ngăn dữ liệu chính xác như những gì các mô hình tìm kiếm tối ưu dự đoán. Và các sinh viên có cách tư duy giống với dự đoán của mô hình này đều là những người kể được nhiều tên nhất.
Bên cạnh đó, chương trình còn phát hiện ra rằng những sinh viên thành công nhất thường bỏ qua một ngăn dữ liệu nếu thấy nó tiêu tốn quá nhiều thời gian để gọi ra một cái tên mới, giống như cách một động vật kiếm ăn bỏ qua một nguồn thức ăn nếu nó có thể tận dụng khoảng thời gian ấy ở một nơi sai quả hơn.
Những phát hiện kể trên, theo Peter Pirolli – nghiên cứu sinh tại Trung Tâm Nghiên Cứu Palo Alto (California, Hoa Kỳ), người đã từng tìm hiểu việc áp dụng các lý thuyết về tìm kiếm vào bộ nhớ – chính là minh chứng khoa học mạnh mẽ cho một ý tưởng đang dần trở nên phổ biến: não bộ của con người khi nhớ hoạt động giống cách một chú ong kiếm mật. Những phát hiện này đã được đăng tải trực tuyến trên Tạp chí Tâm lý học Psychological Review.