Trong tương lai vấn đề truyền tải điện năng tới các thiết bị điện sẽ không cần dây dẫn, việc truyền tải này được đánh giá là khá an toàn với con người.
Năm 1899, kỹ sư người Serbia tên là Nikola Tesla xây dựng một cuộn dây điện cao 50m, mang dòng điện 12 triệu volt ở Colorado Springs và ông truyền điện không dây qua quãng đường không khí làm phát sáng 200 bóng đèn. Sau khi bật công tắc, tia chớp nhảy ra khỏi cuộn dây nhưng không ai bị tổn thương.
Nikola Tesla trong phòng thí nghiệm với các cuộn dây truyền tải điện hàng triệu volt qua không khí. (Ảnh: Corbis)
Có lẽ điện không dây khá an toàn, ngay cả khi nó chạy qua ngón chân chúng ta. Thí nghiệm của Tesla đã chứng minh rằng bản thân trái đất có thể sử dụng để dẫn điện, không cần thiết phải có dây dẫn. Ông cũng thử nghiệm với hiện tượng cảm ứng điện từ, một hiện tượng vật lý phát hiện trước đó 70 năm bởi nhà khoa học Michael Faraday, Popsci cho hay.
Đối với hiện tượng cảm ứng điện từ, từ trường thay đổi xung quanh nam châm điện tạo ra dòng điện trong một dây dẫn gần đó, năng lượng điện trong không khí tồn tại như một từ trường. Ví dụ, hiện nay cảm ứng điện từ sử dụng để sạc pin bàn chải đánh răng điện mà không cần dây dẫn.
Năm 2006, giáo sư vật lý Marin Soljacic tại Viện Công nghệ Massachusetts đã truyền điện không dây qua một phòng để thắp sáng bóng đèn 60-watt. Soljacic điều chỉnh trường điện từ trong cuộn dây cho và nhận khiến chúng cộng hưởng ở cùng một tần số, quá trình này được biết đến hiệu quả hơn và an toàn hơn so với những nỗ lực của Tesla.
Tương lai không xa, nhiều hệ thống điện mới sẽ ra đời, điện năng truyền từ nguồn phát tới thiết bị sử dụng mà không cần nhờ dây dẫn, được cho là khá an toàn với người sử dụng.
Theo VNE