Cái chết của một sinh vật cổ đại to lớn được ví như Quái vật hồ Loch Ness dường như có liên quan tới căn bệnh đau khớp hàm. Phát hiện này đồng thời tiết lộ rằng ngay cả những kẻ săn mồi nguy hiểm nhất cuối cùng rồi cũng sẽ không thể chống đỡ nổi với bệnh tật của tuổi già.
Các nhà khoa học rút ra kết luận này sau khi tiến hành phân tích hóa thạch phần cổ của một loài bò sát biển khổng lồ đã tuyệt chủng có tên Pliosaur được khai quật vào năm 1994. Hóa thạch được xác định là của 1 con cái dài khoảng 8m. Phần đầu giống cá sấu dài 3m, cổ ngắn, cơ thể như cá voi và bốn chân chèo khỏe mạnh.
Judyth Sassoon bên phần hóa thạch phần hàm
của một sinh vật cổ đại. (Nguồn: Simon Powell)
Thông thường, với bộ hàm lớn cùng những chiếc răng dài tới 20cm, nó có thể xé nhỏ bất kỳ con mồi nào. Tuy nhiên, các nhà cổ sinh vật học nhận thấy dấu hiệu của một tình trạng thoái hóa tương tự như viêm khớp trên người trong mẫu vật 150 triệu năm tuổi này. Quá trình lão hóa bắt đầu xuất hiện ở khớp xương hàm bên trái của Pliosaur khiến hàm dưới bị lệch. Nó đã tồn tại nỗi đau đớn trong 1 thời gian dài.
“Trước đây, hiện tượng này chưa từng thấy ở lớp bò sát thuộc thời đại trung sinh”, nhà nghiên cứu Judyth Sassoon đến từ Đại học Bristol nói.
Con thú có thể đã sống ở miền Nam nước Anh và rời đi khi nước ở đây ấm lên còn biển thì nông hơn. Pliosaur giống quái vật Loch Ness không chỉ ở hình dáng mà còn bởi nguồn thức ăn như cá, tôm, cua, sò, hến.
Sassoon hiện đang nghiên cứu loài Pliosaur và hy vọng sẽ hiểu rõ hơn về sự đa dạng và thói quen cũng như việc làm thế nào chúng có thể thích nghi môi trường với kích thước khổng lồ như vậy.
Tham khảo: Livescience
Theo Đất Việt, Livescience