Điều gì xảy ra khi bạn bị rắn hổ mang cắn

Điều gì xảy ra khi bạn bị rắn hổ mang cắn

Nọc độc rắn hổ mang có thể tấn công hệ thần kinh, gây nhiễm trùng và làm rối loạn nhịp tim, đủ khiến nạn nhân tử vong trong chưa đầy một giờ nếu không chữa trị kịp thời.

Theo Tech Insider, rắn hổ mang là một trong số 4 loài rắn lớn tại Ấn Độ, nơi có đến 50.000 người chết do rắn cắn mỗi năm. Loài rắn hổ mang Ấn Độ Naja naja có chiều dài cơ thể tới 2,1 mét. Nọc độc của rắn gây chết người, tác động nhanh chóng và bao gồm hai giai đoạn.

Điều gì xảy ra khi bạn bị rắn hổ mang cắn
Rắn hổ mang Ấn Độ. (Ảnh: Machax).

Đầu tiên, chất độc thần kinh có trong nọc rắn ngăn chặn hoạt động của hệ thống thần kinh và hệ thống thần kinh – cơ trong vòng 15 phút đến hai giờ, gây ra tình trạng buồn ngủ, tê liệt, mất ý thức, khó thở. Các mô xung quanh vết cắn bị thâm, sưng lên và chết đi. Điều này gây ra nhiễm trùng và nạn nhân có thể phải cắt bỏ bộ phận cơ thể như chân, tay.

Nọc độc rắn còn chứa độc tố cardiotoxin nguy hiểm. Ở giai đoạn cuối cùng, độc tố cardiotoxin làm tăng huyết áp trước khi nhanh chóng chậm lại và khiến tim ngừng đập.

Một vết cắn có thể không chứa nọc độc, nhưng rắn hổ mang có khả năng cắn nhiều lần để phun ra lượng nọc độc lớn. Rắn hổ mang giết chết nhiều người vì nó hoạt động cả ngày lẫn đêm. Chúng thường xuất hiện ở khu vực đông dân cư.

Nếu có dấu hiệu trúng nọc độc sau khi bị rắn cắn, bạn nên lập tức sử dụng huyết thanh kháng nọc độc để tránh bị tử vong trong chưa đầy một giờ.

 

Theo VnExpress