Các nhà khoa học Trung Quốc đã thành công trong việc ra lệnh cho những chú chim bồ câu thông qua bộ điều khiển từ xa.
Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu công nghệ Robot trực thuộc Đại học công nghệ và kỹ thuật Shandong đã thành công trong việc sử dụng một vi điện cực được cấy vào trong não bộ của một con chim bồ câu để điều khiển nó bay rẽ sang phải, sang trái, lên trên hay xuống dưới. Vi điện cực này sẽ sinh ra các tín hiệu kích thích lên các khu vực khác nhau trong não bộ của chú chim bồ câu tùy theo những thông tin mà các nhà khoa học gửi qua máy tính, do đó khiến chúng phải bay theo lộ trình được vạch ra.
Su Xuecheng, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết đây là lần đầu tiên một thực nghiệm như thế này được thực hiện trên thế giới. Ông cũng cho biết đã từng làm những thí nghiệm tương tự trên chuột cách đây 2 năm, và việc nâng cấp thiết kế cũng như công nghệ của thiết bị cấy ghép là nguyên nhân chính đưa tới thành công lần này.
Ngoài các nhà khoa học Trung Quốc, The U.S. Defense Advanced Research Projects Agency (DARPA) cũng đang nghiên cứu làm cách nào để điều khiển các loài động vật.
Đầu năm 2006, DARPA công bố một dự án cho phép tạo ra các tín hiệu não của cá mập, giúp các nhà khoa học có thể điều khiển chính xác hoạt động của những con vật hung dữ này. Mục tiêu của dự án này là có thể sử dụng cá mập như lực lượng tuần tra trên các vùng biển sâu của đại dương.
Cho tới giờ, nhóm nghiên cứu Trung Quốc vẫn chưa cho biết những con chim bồ câu bị điều khiển này sẽ được ứng dụng như thế nào.
Công nghệ này có thể sẽ có rất nhiều ứng dụng thực tế phục vụ nhân loại nhưng cũng không loại trừ việc nó được sử dụng vào mục đích chiến tranh, thay thế cho các trinh sát hay thực thi nhiệm vụ đánh bom.
HOÀNG TÙNG
Theo DailyTech, Tuổi trẻ