Hầu hết những bài viết về tác động xấu của việc bố mẹ ly hôn lên trẻ nhỏ mà tôi từng đọc đều xoay quanh các vấn đề tâm lý. Thế nhưng với tư cách người trong cuộc, tôi xin dẫn ra đây một vấn đề khác cũng quan trọng không kém: tài chính.
Tất nhiên cuộc ly hôn của bố mẹ đã để lại cho tôi một chấn thương tinh thần không nhỏ, nhưng nếu nhìn nhận sự việc ở mặt tích cực, biến cố đó đã dạy tôi những bài học quan trọng không chỉ về tình yêu, hôn nhân, gia đình,… mà còn về tầm quan trọng của việc quản lý tài chính đối với phụ nữ.
Câu chuyện của tôi bắt đầu như sau:
Tôi được sinh ra và lớn lên ở một vùng ngoại ô yên bình nhưng giàu có. Bố mẹ tôi là những người có học thức cao và thu nhập ổn định. Trong thời gian bố mẹ còn hạnh phúc, tôi được đi học ở những trường tốt nhất của địa phương và không bao giờ phải lo gì về vấn đề cơm ăn áo mặc. Nói tóm lại, tôi có một tuổi thơ rất sung túc và hoàn toàn không nhận thức được giá trị thật sự của tiền bạc.
Và khi tôi lên 15 tuổi thì bố mẹ quyết định ly hôn. Có lẽ không cần kể thì các bạn cũng đoán ra được thời gian đó lộn xộn và khó khăn với tôi đến mức nào. Tuy nhiên có một vấn đề mà tôi tin chắc là không phải ai cũng nghĩ tới và chính tôi lúc đó cũng không hình dung ra được: gia đình tôi trở nên khánh kiệt.
Trong khi những bạn bè đồng trang lứa chưa phải lo gì về chuyện tiền bạc mà chỉ cần chuyên tâm vào học tập và những rắc rối tâm lý tuổi vị thành niên, tôi lại luôn phải kè kè sổ sách chi tiêu bên mình. Tuy nhiên nhờ thời gian đó mà tôi đã từ một cô gái không biết gì về tiền bạc trở thành người có trách nhiệm với tình hình tài chính của mình.
Dưới đây là ba bài học về tài chính tôi đã học được sau cuộc ly hôn của bố mẹ:
1. Phụ nữ luôn cần độc lập tài chính
Đến tận lúc phát hiện ra bố ngoại tình, mẹ tôi mới vỡ lẽ rằng bố đã ngấm ngầm rút hết mọi khoản tiết kiệm và lấy đi những tài sản đứng tên ông. Trước đó, bố mẹ đã chuẩn bị một quỹ để lo cho lúc về già và đầu tư cho hai chị em tôi học đại học. Mẹ hoàn toàn không ngờ bố có thể lén lút lấy hết số tiền tiết kiệm quý giá ấy để xây dựng cuộc sống riêng với một người phụ nữ khác. Chỉ trong chớp mắt, ba mẹ con tôi rơi vào cảnh nghèo túng.
Thời khắc ấy, tôi học được bài học quan trọng nhất của cuộc đời mình: phụ nữ luôn cần phải độc lập tài chính và không bao giờ được rời mắt khỏi quỹ tiết kiệm chung của gia đình. Tất nhiên, bất cứ ai cũng nên học cách tự kiếm tiền và tự kiểm soát tình hình tài chính của mình, nhưng là phụ nữ – là phái yếu, bạn càng cần phải cương quyết trong việc này hơn. Đừng sống dựa vào tiền bạc của người khác vì bạn không thể biết được chuyện gì sẽ đến với mình.
Điều đó không có nghĩa là bạn phải luôn nghi ngờ và dè chừng việc chi tiêu của chồng, mà chỉ có nghĩa là bạn phải chủ động và tỉnh táo hơn. Trước khi kết hôn, tôi đã nói rõ với chồng về quan điểm tài chính của mình và chúng tôi đã đi tới những thỏa thuận chung. Chúng tôi đều cùng “giám sát” tài khoản chung của gia đình, cùng tuân theo những quy định thu chi rõ ràng. Tôi cũng sẽ luôn nằm trong “lực lượng lao động” và chia sẻ gánh nặng tài chính với chồng, kể cả khi đã có con.
Sau khi kết hôn, mẹ tôi – người có bằng Tiến sĩ đã quyết định nghỉ việc để ở nhà làm nội trợ và chăm sóc con cái. Tôi đã tận mắt chứng kiến nỗi vất vả của mẹ khi phải trở lại với công việc sau hơn 10 năm chia tách. Tôi nhận ra rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, phụ nữ vẫn phải có công việc và nguồn thu nhập riêng. Nếu bạn hoàn toàn phụ thuộc vào chồng, chưa nói tới ly hôn mà lỡ như có tai nạn nào xảy ra với anh ta, bạn chắc chắn sẽ rơi vào cảnh chơi vơi. Hãy tự kiếm tiền nuôi mình và bạn sẽ không bao giờ bị cuộc sống đẩy vào thế bị động.
2. Phụ nữ phải biết kiểm soát tài chính của mình
Sau khi ly hôn, mẹ tôi vẫn cương quyết cho chị em tôi đi học ở trường tốt dù chi phí đắt đỏ. Bà không muốn chúng tôi vì bố mẹ mà phải chịu thiệt thòi, ít nhất là về mặt giáo dục. Tuy nhiên điều đó có nghĩa là mẹ không còn tiền để cho chúng tôi “tiêu vặt” và tôi phải nhanh chóng học cách kiểm soát nhu cầu chi tiêu của mình. Trong khi mẹ tôi quan tâm tới những vấn đề như học phí cho con; cơm ăn hàng ngày; chi phí thăm khám sức khỏe; chi phí bảo dưỡng nhà cửa và hàng loạt các khoản chi không tên khác của người lớn, tôi cũng phải học cách quản lý ngân sách cho những nhu cầu tuổi “teen” của mình. Tôi đã phải từ bỏ rất nhiều thói quen mua sắm mà trước đây vốn luôn coi là bình thường.
Tôi phải tập tính toán và giới hạn số tiền đổ xăng cho xe hàng tuần, số tiền để đi xem phim cùng bạn bè, số tiền để mua quần áo mới,… Trong thời gian học cấp ba, tôi đã làm đủ các loại công việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập như giữ trẻ, phục vụ bàn, gia sư,…Như thế, từ một cô gái chỉ biết phung phí tiền bố mẹ cho, tôi đã học được cách quý trọng đồng tiền.
Nhưng cách kiểm soát tài chính không phải điều duy nhất cuộc ly hôn của bố mẹ đã dạy tôi. Tôi cũng sớm trở thành người biết kiểm soát nhiều mặt khác trong cuộc sống của mình. Một ngày nọ, ống nước nhà tôi bị nghẽn và mẹ hoàn toàn không biết phải làm gì. Quá sốt ruột, tôi đã gọi cho bố để hỏi cách sửa và tự bắt tay vào làm. Kể từ đó, tôi lo liệu hết những việc vốn chỉ dành cho đàn ông trong nhà. Trước khi bố mẹ ly hôn, tôi từng nghĩ con gái không bao giờ nên đụng tay vào những việc nặng nề và thô cứng như vậy, nhưng suy nghĩ của tôi đã thay đổi. Tôi dần dần làm chủ được mọi rắc rối xảy ra trong cuộc sống của mình. Tất nhiên đó không phải việc dễ dàng, nhưng nhân cách tôi đã hoàn thiện nhờ thời gian sóng gió đó.
Đến giờ tôi mới nhận ra rằng mình đã chín chắn sớm hơn phần lớn bạn cùng trang lứa. Khi học đại học, tôi đã có tiền riêng để mua sắm và thậm chí là đi du lịch trong khi nhiều bạn học vẫn đang phải nhận viện trợ từ bố mẹ. Tôi cũng không gặp nhiều khó khăn khi phải rời xa gia đình vì đã quá quen với việc sống độc lập và tự biết lo cho mình.
3. Phụ nữ phải biết cách tiết kiệm và đầu tư đúng nơi, đúng lúc
Với nhiều người, đại học chỉ là một nấc thang học tập mới mà họ phải chinh phục. Nhưng với tôi, đại học thật sự là một thách thức trên mọi mặt. Số tiền mẹ từng chuẩn bị cho việc học đại học của tôi đã không còn, vì vậy, muốn được học đại học thì tôi phải tự kiếm tiền trả học phí. Hiểu được điều này từ sớm nên tôi đã vạch ra con đường rất rõ ràng để có thể học đại học sao cho tiết kiệm nhất.
Trước khi bố mẹ ly hôn, tôi cũng không phải học sinh kém trong lớp, nhưng sau cuộc ly hôn đó, nỗ lực học tập của tôi mới thực sự dâng lên đỉnh điểm. Trong thời gian gia đình mới tan vỡ, kết quả học của tôi có bị sa sút vì cuộc sống bị xáo trộn quá nhiều, nhưng tôi đã sớm học được cách biến đau buồn thành năng lượng để tiến tới.
Trong khi các bạn xung quanh đang tận hưởng những ngày cuối cùng của thời học sinh ngây ngô, tôi đã bắt đầu đào sâu nghiên cứu về các trường đại học vừa có chất lượng tốt vừa có nhiều gói hỗ trợ sinh viên nghèo. Tôi tìm hiểu kỹ lưỡng xem phải trau dồi những kiến thức và hoạt động gì từ trước để có thể trở thành sinh viên xuất sắc trong ngôi trường đó. Cứ thế, tôi kiên định đi theo con đường mình đã vạch ra.
Cuối cùng, tôi đã đậu vào trường mình mong muốn. Trong bốn năm đại học, tôi đã có đủ tiền để xuất ngoại và được nhận vào làm thực tập có lương tại một công ty lớn. Tôi không từ chối bất cứ công việc hay hoạt động nào có thể giúp mình trang trải tiền học phí và tăng thêm hiểu biết. Mùa Hè năm cuối, tôi đã có một tài khoản tiết kiệm khá rủng rỉnh và không hề lo lắng về công việc sau khi ra trường nhờ bề dày kinh nghiệm suốt thời sinh viên của mình. Tất cả những thành công đó, tuy nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đều là nhờ cuộc ly hôn của bố mẹ đã tạo nền móng cho tôi.
Hiện nay, gia đình tôi đã chuyển đến một nơi tốt hơn nhiều và cả kinh tế lẫn cảm xúc đều đã ổn định trở lại. Tôi cũng đang làm công việc mình yêu thích và có thu nhập như mong đợi. Biến cố ly hôn đã không còn tác động chút nào lên cuộc sống của mẹ con tôi nữa.
Cuối cùng, điều tôi muốn chia sẻ với bạn là: ly hôn có thể là điều tệ hại nhất đối với một gia đình, nhưng cũng như những sóng gió khác, biến cố đó sẽ giúp bạn trở nên vững chãi, chín chắn và sống có trách nhiệm hơn với đời mình. Không chỉ vậy, tôi cũng tin rằng tất cả những đứa con có bố mẹ ly hôn như tôi đều đã học được từ sớm những bài học thực tế và cần thiết về hôn nhân. Những bài học đó sẽ rất có ích cho cuộc hôn nhân sau này của chính họ. Thực lòng mà nói, tôi thấy biết ơn cuộc ly hôn của bố mẹ mình.
Nguồn: Theo Abigail Dalton (Learn Vest)
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.