Đi đôi với phát triển kinh tế, vài năm trở lại đây nhiều quốc gia tại châu Á tích cực đầu tư vào khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, sức gió… và hướng đi này đã tỏ ra sáng suốt trong bối cảnh luôn có biến động trong thị trường dầu mỏ thế giới.
Các nhà phân tích cho rằng, các quốc gia Đông Nam Á đều có tiềm năng năng lượng tái sinh không hề thua kém Trung Quốc và Ấn Độ. Vấn đề ở chỗ là các nước này nhận thức được thế mạnh nội tại trong phát triển năng lượng tái tạo đến đâu và đầu tư như thế nào.
Địa nhiệt và Biomass
Chủ tịch Ủy ban Năng lượng S. Chander thuộc Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) cho biết, Đông Nam Á rất tiến bộ trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Trong thời gian gần đây, nhiều nước trong vùng, đặc biệt là Thái Lan và Philipine, đã nỗ lực tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, ông cho biết một số quốc gia Đông Nam Á khác vẫn còn “chậm chân” trong lĩnh vực này.
Giám đốc Chính sách Năng lượng Rafael Senga của Tổ chức Bảo vệ thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) và chuyên về môi trường khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, các nước Đông Nam Á đều có tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo.
Philipine và Indonesia là những quốc gia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương vốn chứa rất nhiều năng lượng địa nhiệt của thế giới. Người ta ước lượng 40%dự trữ địa nhiệt của thế giới nằm tại Indonesia. Trong khi đó, hai quốc gia Việt Nam và Thái Lan, vốn sản xuất rất nhiều gạo và đường mía, lại là hai nước có nhiều tiềm năng tạo ra năng lượng sinh khối (biomass) từ các chất thải nông nghiệp.
Sức gió và năng lượng mặt trời
Tuy nhiên, theo ông S. Chander, sức gió mới là tiềm năng lớn lao nhất của khu vực Đông Nam Á và sẽ tạo ra bước đột phá lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của khu vực. Tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều có tiềm năng rất lớn về sức gió. Để khai thác năng lượng gió người ta cũng không cần tốn nhiều nhiều đất đai như thủy điện. Trong khi đó, đất đai trong vùng Đông Nam Á lại khá màu mỡ và có thể dùng vào nhiều việc khác.
Khi so sánh giữa sức gió với năng lượng mặt trời, ông Chander cho hay, Đông Nam Á sẽ không sử dụng nhiều năng lượng mặt trời vì việc sử dụng này không hiệu quả cho lắm. Ông cho biết người ta chủ yếu khai thác năng lượng mặt trời qua việc đặt các tấm thu nguồn năng lượng này trên các mái nhà. Theo ông, sức gió là loại năng lượng có nhiều tiềm năng hơn đối với Đông Nam Á.
Phát triển, nghiên cứu chế tạo thiết bị
Các chuyên gia cũng tin rằng, những nước chưa được biết đến nhiều trong vấn đề năng lượng cũng có thể giữ vai trò quan trọng. Ông Paul Curnow – thành viên trong công ty luật Baker and Mackenzie’s Global Environment Markets đồng thời là một cố vấn về chính sách năng lượng tái tạo cho Chính phủ Australia – nói lĩnh vực năng lượng tái tạo không chỉ quanh quẩn trong vấn đề năng lượng vật chất ‘thuần túy’ mà còn bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác như sản xuất, nghiên cứu và phát triển.
Theo ông Curnow, tất cả những yếu tố này tạo nên những nét quan trọng trong bức tranh năng lượng. Ông nêu ra dẫn chứng về Singapore, một quốc gia đã cung cấp rất nhiều tiền của và công sức vào việc khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật, nghiên cứu, phát triển và chế tạo. Ông cũng cho hay trong khi các nước như Trung Quốc và Ấn Độ đã sản xuất rất nhiều sản phẩm liên quan tới năng lượng tái tạo như các tấm thu năng lượng mặt trời, thì ở nhiều nơi tại Đông Nam Á việc này chỉ đang trong giai đoạn khởi đầu.
Ông Curnow cho rằng, vấn đề không chỉ là đơn thuần là chế ngự và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo mà còn bao trùm nhiều địa hạt khác nhau như tạo ra dây chuyền cung cấp thiết bị khai thác các nguồn này. Ông cho rằng, các nước Đông Nam Á có thể giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.