Sau một thời gian đo đạc, các nhà khoa học thuộc Đại học Gothenburg (Thụy Điển) đã đưa ra được số liệu chính thức về khối lượng khí carbon được lưu giữ trong các khu rừng nhiệt đới tại Sri Lanka. Phát hiện này được cho là sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu nạn phá rừng vốn đang hoành hành dữ dội tại quốc gia Nam Á.
>>>Mầm cây thông minh biết đo khí thải CO2
Theo các số liệu thống kê, nạn phá rừng gây ra 12% trong tổng số lượng phát thải khí carbon gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới. Để giải quyết vấn nạn này, những năm gần đây Liên Hiệp Quốc đã đưa ra chương trình “Giảm phát thải khí nhà kính do phá rừng và suy thoái rừng” (REDD). Theo đó, các quốc gia phát triển có nhiệm vụ hỗ trợ tài chính cho các quốc gia có rừng nhiệt đới để họ bảo vệ những cánh rừng này.
Tuy nhiên, theo Eskil Mattsson – nghiên cứu sinh tiến sĩ thuộc Khoa Khoa học Trái đất, chương trình REDD chỉ thật sự hiệu quả nếu có được số liệu chính xác về khối lượng khí carbon mà những cánh rừng này đang lưu giữ. “Việc đo đạc này rất quan trọng để ước tính chi phí cũng như lợi ích của việc giảm nạn phá rừng, do mức độ hỗ trợ tài chính chỉ dựa trên khối lượng carbon trong các cánh rừng đó” – Mattsson nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của Mattsson còn chỉ ra khả năng sử dụng những hệ sinh thái khác để thay thế rừng trong việc cung cấp gỗ và thực phẩm cho người dân địa phương, đồng thời góp phần đưa ra những chính sách hữu hiệu để chống biến đổi khí hậu.
Theo Báo Cần Thơ