Đổ rác thải điện tử sang nước nghèo

Tờ New America Media (17-10-2008) cho biết Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) dường như không làm gì trước tình trạng Mỹ đổ rác thải điện tử (e-waste) sang các nước thế giới thứ ba, trong đó có Trung Quốc, Nigeria và Ấn Độ.

Báo cáo của Phòng tổng kiểm toán Hoa Kỳ (GAO) cho biết mỗi năm Mỹ tống hơn 150.000 tấn e-waste đến Ấn Độ, biến New Delhi thành bãi rác thải điện tử lớn nhất thế giới (báo Hindustan Times).

Mỗi năm Mỹ tống hơn 150.000 tấn e-waste đến Ấn Độ. Chỉ riêng New Delhi, hiện có khoảng 25.000 công nhân chuyên xử lý e-waste với 10.000-20.000 tấn rác thải điện tử mỗi năm

Tờ BusinessWeek (15-10-2008) tố cáo: việc tống rác thải điện tử sang các nước nghèo hiện trở thành “công nghiệp” hốt bộn bạc ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ…

Công ty xử lý rác thải điện tử Supreme Asset Management & Recovery tại Lakewood (bang New Jersey, Mỹ) đang ăn nên làm ra. Đây là một trong những “vựa” ve chai điện tử lớn nhất Mỹ. Mỗi ngày, người ta thấy nhiều chiếc xe tải đổ xuống “vựa” này hàng đống bàn phím máy tính, màn hình, máy in, tivi… – toàn những thứ độc hại chứa chì, thủy ngân và cadmium, những chất có thể gây tổn hại thần kinh cũng như ung thư. Công nghiệp xử lý rác thải điện tử đang là một ngành hốt bộn bạc tại Mỹ, với khoảng 1.200 công ty nhỏ tranh nhau miếng bánh có doanh thu hơn 3 tỉ USD năm 2007.

Báo cáo của GAO giữa tháng 9-2008 đã điểm mặt Supreme như là một trong 43 công ty Mỹ chuyên bán e-waste sang châu Á. Tuy nhiên, nếu làm đúng quy trình, việc xử lý rác thải điện tử không có lời nhiều so với việc bán thẳng lô e-waste chưa xử lý cho nhà nhập khẩu tại nước nghèo. Tại Hong Kong, trung tâm nhập rác thải điện tử của châu Á, một container màn hình máy tính và tivi chưa rã bán với giá 5.000 USD có thể đem lại lãi ròng 4.000 USD! Supreme đã sống béo bở nhờ cách này. 

Richard Wray trong một phóng sự điều tra đăng trên tờ The Guardian cho biết: hàng ngàn máy tính phế liệu từ Tây Âu và Mỹ đã cập các hải cảng Tây châu Phi mỗi ngày.Hàng triệu tấn e-waste đang biến mất từ các nước phát triển mỗi năm lại xuất hiện tại các nước đang phát triển, bất chấp các quy định cấm quốc tế – theo Luke Upchurch thuộc Consumers International, nơi đại diện cho hơn 220 nhóm tiêu dùng tại 115 quốc gia. Theo Greenpeace, trong 8,7 triệu tấn e-waste thải ra hằng năm tại EU, có đến 6,6 triệu tấn không được tái chế theo đúng quy trình. Cần nói thêm, mỗi năm thế giới tống ra môi trường 20-50 triệu tấn rác thải điện tử độc hại.

Tháng 3-2007, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra sáng kiến toàn cầu (Solving the E-Waste Problem – StEP) nhằm giải quyết vấn đề rác thải điện tử (với sự tham gia của một số công ty đa quốc gia, trong đó có Microsoft, Ericsson, Hewlett-Packard và Dell). Không chỉ kêu gọi giới sản xuất quan tâm nhiều hơn đến chính sách thu hồi – tái chế thiết bị thế hệ cũ (gần đây Sony và LG Electronics đã hợp tác với Waste Management Recycle America – công ty tái chế rác thải dân dụng lớn nhất Mỹ – trong việc cho phép người tiêu dùng đổi sản phẩm cũ lấy sản phẩm mới), StEP kêu gọi nhận thức người dân tại các nước nghèo trong việc hạn chế mưu sinh bằng rác thải điện tử.

 

Theo Kim Nguyên – Tuổi trẻ