Các nhà khoa học đã phát minh ra một phần mềm có khả năng giải mã cảm xúc của con người khi tương tác với bàn phím máy vi tính.
Nghiên cứu mới đây của các chuyên gia thuộc Đại học Hồi giáo về Công nghệ ở Bangladesh cho thấy, chúng ta có thể đoán được cảm xúc khi chúng ta gõ bàn phím máy tính.
Theo đó, thông thường khi một người làm việc với bàn phím máy tính, chúng ta không thể phân biệt được tính cách hay tâm trạng của họ nếu chỉ nhìn qua sản phẩm văn bản.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học thuộc Đại học Hồi giáo về Công nghệ ở Bangladesh đã sáng tạo ra một phần mềm máy tính đủ thông minh để giải quyết vấn đề trên.
Cụ thể, phần mềm này sẽ ghi lại tất cả hành vi gõ phím của người đánh máy. Để thuận lợi cho nghiên cứu, các chuyên gia đã tiến hành 2 thí nghiệm.
Ở thí nghiệm thứ nhất, họ yêu cầu 25 tình nguyện viên (từ 15 – 40 tuổi) gõ lại hai đoạn giống hệt nhau trong tiểu thuyết “Alice in Wonderland”. Những người này đồng thời cũng sẽ được hỏi trước xem tâm trạng của họ khi tham gia thí nghiệm như thế nào.
Trong thí nghiệm thứ hai, các chuyên gia thu thập những đoạn văn bản khác nhau trong quá trình sử dụng máy tính thường xuyên của tình nguyện viên và yêu cầu họ gõ lại. Đồng thời, cứ sau 30 phút, họ sẽ phải thông báo cho các chuyên gia cảm xúc của bản thân.
Sau hai thí nghiệm, các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu thu thập được để phân tích thông qua phần mềm của họ. Chương trình này tính toán và đo lường 19 thuộc tính liên quan tới cách gõ bàn phím (tốc độ, thời gian chuyển phím, cách nhấn các phím đặc biệt…) và căn cứ trên quy chuẩn số liệu ứng với 7 cảm xúc khác nhau (vui, buồn, sợ hãi, tức giận, ghê tởm, xấu hổ, mặc cảm) để đưa ra đánh giá.
Mọi chỉ số cảm xúc, kể cả là tình yêu cũng sẽ bị phần mềm này phát hiện ra
Kết quả thu được rất khả quan, phần mềm mới có khả năng dự đoán đúng tâm trạng của người đánh máy lên tới 87%. Chia sẻ thêm về nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết, họ tin rằng việc ứng dụng phần mềm này trong cuộc sống sẽ đem lại rất nhiều tác dụng. Có thể kể tới như việc dạy học hay tư vấn tâm lý trực tuyến.
Thông qua phần mềm cảm xúc, giáo viên hay các bác sĩ tâm lý hoàn toàn có thể dự đoán được tâm trạng của học sinh hoặc bệnh nhân, từ đó định hình phương pháp giảng dạy và tư vấn chính xác.
Các bác sĩ hoàn toàn có thể khám cho bệnh nhân chỉ bằng cách chat facebook
Tuy nhiên, Myounghoon Jeon – một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ Michigan cũng chia sẻ một phần khiếm khuyết của phần mềm trên. Theo ông, phần mềm này khó có thể dự đoán được tâm trạng tức giận hay buồn bã của con người, bởi trong cảm xúc như vậy, ít ai lại muốn ngồi trước màn hình máy tính và đánh máy văn bản cả.
Nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí Behavior & Information Technology.