Những chiếc cúc bằng thiếc có liên quan gì đến thất bại của quân đội Napoleon? Liệu sự thay đổi ở cấp độ phân tử có thể dẫn tới những thay đổi trong lịch sử loài người?
Câu chuyện được đề cập trong cuốn sách có tên Napoleon’s Buttons: How 17 molecules changed History (tạm dịch: Những chiếc cúc của Napoleon: 17 phân tử đã thay đổi lịch sử như thế nào), tác giả Penny LeCouteur – giáo sư hóa học kiêm nhà văn sống tại thành phố Vancouver của Canada, và tiến sĩ Jay Burreson – một nhà hóa học công nghiệp đồng thời là nhà quản lý của một hãng công nghệ.
Theo đó, khi đội quân của Napoleon hành quân tới Nga vào tháng 6/1812, họ là một lực lượng hùng hậu với hơn nửa triệu binh sĩ.
Đội quân hùng hậu Grande Armée của Napoleon – (Ảnh: WIKIWAND).
Tuy nhiên tới tháng 12 năm đó, đội quân có tên Grande Armée này chỉ còn lại chưa tới 10.000 quân sau khi một số lượng lớn binh sĩ tử trận vì giao tranh, đói khát và vì lạnh.
Một trong những “thủ phạm” khiến đoàn quân Napoleon thất bại được nói là những chiếc cúc sử dụng trên áo choàng, quần và áo khoác của binh sĩ trong đoàn Grande Armée.
Những chiếc cúc này được làm bằng thiếc, thường không bền trong điều kiện nhiệt độ thấp. Khi ở trong điều kiện thời tiết lạnh, loại vật liệu vốn cứng và sáng bóng này sẽ vỡ vụn ra thành bột.
Thiếu cúc, quân phục và áo choàng chống rét của binh sĩ trở nên “tanh bành” như những tấm thảm rách lỗ chỗ khiến họ không được giữ ấm. Trang phục lỏng lẻo, vướng víu cũng ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của họ.
Kết quả, khi đến được thành phố Borisov, cả đoàn quân hùng hậu chỉ còn lại số ít, vật vờ “như những bóng ma”.
Theo các nhà khoa học, mặc dù không phải mọi nguyên tố hóa học đều có thể giúp đưa ra những lý giải lịch sử, nhưng những đặc trưng của các phân tử là vấn đề trung tâm của rất nhiều sự kiện lớn trong suốt lịch sử đã trải của loài người.
Ví dụ như vật liệu bông vốn được làm từ cellulose, một chất liệu được sản xuất hiệu quả hơn trong điều kiện thời tiết ẩm. Độ ẩm xung quanh sẽ giúp các sợi vải gắn chặt với nhau khiến chúng khó phân tách hơn trong khi dệt.
Kết quả là các khu vực hay mưa ở miền Bắc nước Anh trở thành nơi lý tưởng để mở rộng ngành công nghiệp bông sợi. Địa thế đó cũng đã biến khu vực này từ một xã hội nông nghiệp đơn thuần thành một khu vực phát triển công nghiệp sôi động…