Đó là phát hiện mới nhất của các nhà khoa học Thụy Sĩ về kỹ thuật săn mồi của dơi. Thông thường, dơi phát siêu âm để định vị con mồi qua tín hiệu phản hồi. Nhưng khi ở sát đất, do các vật thể làm nhiễu sóng âm, nên dơi phải dùng đến tai để “nghe” con mồi.
Nhóm khoa học của Rhaphael Arlettaz, Đại học Bern, và các cộng sự thuộc Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) đã theo dõi hai loài dơi phổ biến: myotis myotis (tai to) và myotis blythii (tai nhỏ). Các thước phim video cho thấy, khi dơi sà xuống thấp, nó sẽ hạn chế phát siêu âm (chỉ phát vừa đủ để định hướng thôi). Lúc đó, để theo dõi con mồi, dơi phải dùng đến cặp tai rất thính của nó. Tai dơi thính đến nỗi, một con bọ nhảy từ ngọn cỏ này sang ngọn cỏ khác cũng bị phát hiện.
Quan sát của nhóm khoa học cũng cho thấy, dơi săn mồi ở các khu đất bằng phẳng tốt hơn nơi có bề mặt gồ ghề. Đó là vì sóng siêu âm do dơi phát ra phản xạ tốt hơn trên bề mặt nhẵn. Thực tế, khi săn mồi trên mặt hồ lặng sóng, dù bay thấp, sát mặt nước, dơi vẫn dùng siêu âm.
Minh Hy (theo dpa)
Theo VnExpress