Đôi khi, cha mẹ cũng giống như… những đứa trẻ

Đôi khi, cha mẹ cũng giống như... những đứa trẻ

Cháu gái của tôi rất mê một cô nhà văn mạng, mà trong cái nhìn của tôi, gọi cô này là “văng mạng” thì đúng hơn. Cô kể xấu mẹ mình trên mọi status nhắc đến bà. Cháu gái nói với tôi rằng: “dì ạ, cháu thấy cô ấy đúng, bởi không phải khi nào cha mẹ cũng đều đúng đắn, tốt đẹp như trong sách cả đâu…”.

Nói chuyện này lại nhớ bác trai tôi – vốn là người cũ kỹ, gia trưởng và bảo thủ. Con cái lớn rồi, cháu chắt cả đàn nhưng cuối tuần mà “lũ chúng nó” không về là bác sốt ruột đùng đùng, giục bác gái gọi điện cho bằng hết, “lùa” chúng về nhà ăn cơm. Tôi biết là bác nhớ các con và rất sợ các con ghét mình. Nhưng không hiểu sao, như bị trời đày, cứ thấy con thấy cháu về là bác mắng mỏ chê bai sa sả. Từ chuyện đi cái xe đến chuyện đóng cái cửa nhà. Bác mắng cả những chuyện đâu đâu, hạch hỏi con trai con gái cả ngày, toàn những điều phát mệt. Cả họ nhà tôi đều vừa sợ bác vừa không ưa bác. Nhưng tôi không hề thấy các anh chị tôi khó chịu bao giờ. Những buổi về nhà bác ăn cơm, anh chị nào về trước thì lén lấy điện thoại nhắn người về sau, thông báo tình hình kiểu: “Bão lên rồi, về ngay”, hoặc “hôm nay ‘trời nóng’, nhớ mua hoa quả!”,… “Bão lên”, “trời nóng” có nghĩa là bác tôi đang cáu, đang quát tháo, đang “truy” đứa nào về trước, về sau! Hàng ngày các anh chị ấy vẫn đều đặn nhắn tin cho bác gái, xem hôm nay ông cụ ở nhà có mắng bà cụ không, có chê bà cụ không, có nhắn nhe kể tội đứa nào không?,…

Hồi nhỏ, vì cái sự nóng nảy, cửa quyền của bác trai, các anh chị tôi đã có tuổi thơ đầy tổn thương. Gia đình thì nhiều phen lao đao, khốn đốn chứ không dễ chịu như cách tôi đang nói lại với dăm ba giọng điệu điệu hài hước bông đùa. Có điều, giờ thì tất cả qua rồi. Ông cụ đã già, tôi tuyệt đối không nghe ai trách móc gì bác cả. Các anh chị tôi, mỗi người một công việc, một gia đình riêng, tất cả đều trung thực với các con mình khi nói về ông, rằng ông đã từng là một người không tốt, hay đánh đập bà và ba mẹ, nhưng các con phải coi mọi điều đơn giản, rằng chuyện ấy qua rồi, phải thương bà thật nhiều và thương ông nhiều, bởi vì bà là người có tuổi trẻ không một ngày vui vẻ, và ông là người nóng nảy nhưng tận cùng cô đơn.

Đôi khi, cha mẹ cũng giống như... những đứa trẻ

Tôi cũng chỉ muốn nói về chuyện này với vị trí của một người thanh thản. Cha mẹ đôi khi không khác với lũ trẻ thơ nhiều lắm. Họ có thể mắc sai lầm suốt một thời trẻ trung và về già lại quá nhiều hờn dỗi, quá nhiều tủi thân với đủ “chiêu trò” để con cái buộc lòng phải quay lại yêu thương, hay thậm chí mỉm cười che chở. Tôi tin chắc chắn rằng không phải mọi người trưởng thành đều mang trong lòng những ký ức đẹp về tình yêu mà cha mẹ cho mình. Ai đó có thể phải nhún vai nói về thất vọng, lạc lõng hay đau đớn trong chính ngôi nhà nuôi dưỡng tuổi thơ mình. Nhưng chỉ trích và lên án, tôi nghĩ, tuyệt đối không phải việc nên làm.

Bởi lẽ, ta nghĩ mãi về một điều không hay chỉ chứng minh rằng ta chưa thể đứng lên sau mất mát, tổn thương. Ta chưa hề làm được điều gì ngoại trừ việc thụ động, ỷ lại, đón nhận mọi điều cuộc đời đem lại cho mình. Rằng ta hèn nhát, kém cỏi và có phần dựa dẫm, đổ lỗi cho hoàn cảnh. Thậm chí ta còn đang kiếm cái lý do để “kê chân” vào đó mà đổ lỗi và oán trách, để nuôi cái bản ngã kém cỏi của mình lớn lên.

Tôi đã từng hỏi một người bạn của tôi, xem bạn ấy có giận mẹ không? Bạn lắc đầu, bảo “Không, chỉ thấy thương thôi, thương vô hạn, chỉ mong cho mẹ cứ mắng mỏ nhiều lên cho nhẹ lòng nhẹ dạ thôi”. Chuyện là, chị gái của bạn ấy từ quê lên ở nhờ nhà em gái mấy hôm để đi khám bệnh. Không ngờ bác sĩ thông báo rằng chị bị ung thư! Bạn tôi và chị gái dặn nhau phải giữ kín như bưng, bởi sợ bố mẹ già đột quỵ…

Tiền nong chạy chữa cũng nhiều, chị gái phải về bán cả mảnh đất dự phòng. Mẹ chị thì ngày nào cũng gọi điện hỏi han lý do bán đất vì sao. Bạn tôi đành phải nhận đại cho xong chuyện là vợ chồng bạn ấy ngoài thành phố làm ăn thua lỗ, cần phải đền tiền cho người ta nên nhờ anh rể và chị gái bán đất ở quê rồi cho bạn ấy vay. Nói xong thì ngày nào bà cụ già cũng mắng mỏ, chỉ trích con gái út vì làm phiền, dựa dẫm vào anh chị. Thậm chí nhiều hôm bà sa sả mắng bạn tôi là đồ “ngu si”… Bạn tôi, cả tháng liền hôm nào cũng khóc. Nhưng bạn bảo mắng thế sẽ tốt cho bà hơn, chứ nếu biết chị gái bạn ấy bị ung thư thì bà ngậm đau ngậm đớn, không hé miệng được mà chết mất. Bạn bảo sợ lắm, bạn không biết sống sao nếu đến một ngày không còn cả mẹ và chị gái để nghe ai mắng. Bạn bảo, cha mẹ và những người thân đều là duy nhất, và là số phận, nên tốt nhất là cứ yêu thương theo cách đơn giản, bình yên, thậm chí ngô nghê và “tồ tẹt” nhất. Bởi lẽ, khi mất rồi mới thấu, ta sống giữa đời vui vẻ làm gì…

Nguyên Ân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.