Preecha Jiabyu đã từng có thời gian làm công việc đưa các du khách đi thuyền dọc theo bờ sông Mae Klong rực sáng hàng ngàn chiếc đèn đom đóm. Thế nhưng bây giờ tất cả những gì ông nhìn thấy là ánh sáng huỳnh quang phát ra từ các khách sạn, nhà hàng hay đường cao tốc. Ông phải chèo thuyền tới hai dặm để ngắm nhìn những cái cây phát ra thứ ánh sáng mà những sinh vật kì diệu tạo nên.
Preecha, giáo viên đã nghỉ hưu 58 tuổi người sở hữu hàng chục chiếc thuyền chèo cạnh tranh với những chiếc xuồng máy gây ô nhiễm, cho biết: “Số lượng đom đóm đã giảm tới 70% chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây. Điều này thật đáng buồn. Chúng đã từng là biểu tượng của thành phố chúng tôi”.
Số phận của đom đóm đã lôi cuốn hơn 100 các chuyên gia nghiên cứu côn trùng và các nhà sinh học đến thành phố Chiang Mai phía bắc của Thái Lan vào tuần trước tại hội nghị chuyên đề quốc tế về “Đa dạng và bảo tồn loài đom đóm”.
Sau đó họ sẽ đến Ban Lomtuan vào thứ sáu để ngắm nhìn loài đom đóm Pteroptyx malaccae. Ánh sáng với nhịp độ nhanh chóng của nó trông giống như ánh đèn đêm Giáng sinh.
Có phải lại thêm một loài được yêu mến nữa bị con người đẩy vào tình trạng nguy hiểm hay không?
Hình con đom đóm Thái Lan có tên “Luciola Laporte” được phóng to trên nền chụp ngày 22 tháng 8 năm 2008. Thái Lan hiện là nước chủ nhà tổ chức hội nghị chuyên đề quốc tế đầu tiên về loài đom đóm. Hội nghị sẽ thu hút trên 100 chuyên gia trên toàn thế giới. Ở Thái Lan có 55 loài đom đóm được phát hiện. (Ảnh: AP Photo/Apichart Weerawong) |
Từ Tennessee đến Đông Nam Á, các nhà nghiên cứu nói họ nhận thấy đom đóm (với những tên gọi khác nhau như “firefly”, “glowworm” hay “lightning bug”) đang suy giảm số lượng.
Tuy nhiên không phải chỉ có duy nhất một nguyên nhân. Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ và Châu Âu chỉ trích sự phát triển đô thị và vấn đề ô nhiễm công nghiệp đã hủy hoại môi trường sống của đom đóm. Sự lan tràn ánh sáng nhân tạo cũng là một đồng phạm, phá vỡ tập tính giao phối phức tạp vốn phụ thuộc vào cuộc chiến ánh sáng của con đực để giành lấy con cái.
Stefan Ineichen, nhà nghiên cứu đom đóm tại Thụy Sĩ kiêm nhà điều hành trang web thu thập các thông tin về đom đóm, cho biết: “Rõ ràng là số lượng đom đóm đang giảm dần”.
“Khi bạn nói chuyện với những người già về đom đóm, câu trả lời của họ luôn giống nhau. Họ nhìn thấy rất nhiều đom đóm thời còn trẻ, nhưng bây giờ thì thật may mắn nếu nhìn thấy dù chỉ một con”.
Fredric Vencl, nhà nghiên cứu thuộc đại học Stonybrook tại New York, phát hiện ra một loài đom đóm mới 2 năm về trước và nhận thấy môi trường sống trên núi của nó tại Panama đã bị công việc đốn gỗ của con người đe dọa.
Lynn Faust đã dành cả một thập kỷ đi tìm đom đóm trên trang trại rộng 40 mẫu của bà tại Knoxville, Tenn., nhưng bà đã phải từ bỏ cuộc tìm kiếm một loài đom đóm bởi bà không còn nhìn thấy nó nữa
Faust nói: “Tôi biết rằng bầy đom đóm đã biến mất trên trang trại của tôi do tốc độ phát triển cũng như số lượng đèn thắp sáng. Chính là McMansions với các bóng đèn pha. Một ngôi nhà có tới 32 bóng đèn. Tại sao lại phải cần đến nhiều đèn như thế?”
Nhưng Faust cùng các chuyên gia khác đồng ý rằng họ cần phải có thêm dữ liệu khoa học. Điều này thực sự khó khăn do có rất ít các chương trình kiểm soát được thực hiện.
Có khoảng 2.000 loài đom đóm, các nhà nghiên cứu cũng thường phát hiện thêm loài mới. Nhiều loài đom đóm chưa hề được nghiên cứu khiến các nhà khoa học phải mò mẫm trong bóng tối để tìm hiểu những mối đe dọa tiềm tàng cũng như ý nghĩa của những ánh đèn nhấp nháy như mã Moc-xơ cảnh báo mọi thứ từ ái tình đến nguy hiểm.
Anchana Thancharoen, thành viên của nhóm nghiên cứu đã tìm được loài đom đóm mới có tên Luciola aquatilis hai năm trước tại Thái Lan, cho biết: “Đom đóm là một loài côn trùng đầy bí ẩn”.
(Ảnh: J.E. Lloyd (Ảnh: J.E. Lloyd/ Live Science) |
Vấn đề là một loài côn trùng hoạt động ban đêm nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay như đom đóm không thể gắn được thẻ tín hiệu hay dễ dàng lần theo dấu vết giống như gấu hoặc thậm chí là bướm. Công việc đếm số lượng cũng khó khăn khi mà một số con cái dành hầu hết thời gian sống trên mặt đất và không hề phát sáng.
Tuổi thọ của một con đom đóm trưởng thành chỉ dài khoảng một đến 3 tuần khiến cho việc đếm số lượng càng trở nên gian nan hơn.
Các nhà nghiên cứu Châu Âu đã thử sử dụng khung gỗ để xác định số lượng đom đóm xuất hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu rừng Malaysia lại chụp ảnh các quần thể đom đóm mỗi tháng dọc theo sông Selangor.
Nhưng với nguồn tài chính và nhân lực ít ỏi để nghiên cứu vấn đề, các chuyên gia đang mong chờ sự giúp đỡ của những người tình nguyện. Các trang web như Khảo sát Citizen Science Firefly Survey tại Boston được tiến hành vào năm nay đã khuyến khích những người nhiệt huyết tham gia và thông báo về những biến đổi xảy đến với quần thể đom đóm tại các vùng.
Christopher Cratsley – chuyên gia nghiên cứu đom đóm thuộc Trường công Fitchburg tại Massachusettes kiêm cố vấn trang web do Bảo tàng khoa học Boston điều hành – cho biết: “Các nhà nghiên cứu hy vọng điều này sẽ cho phép chúng tôi theo dấu các quần thể đom đóm trong nhiều năm nhằm xác định liệu chúng sẽ duy trì số lượng ổn định hay là biến mất”.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng việc khẩn cấp đánh giá tình trạng của loài đom đóm có thể không cân xứng với công cuộc tìm hiểu gấu bắc cực hay hổ Siberia. Nhưng họ nhấn mạnh rằng đom đóm là loài quan trọng để hiểu được tình trạng của hệ sinh thái.
Preecha lại tỏ ra bất đồng. Ông đã từng nhìn thấy hình ảnh con sông thuở ban xơ thời thơ ấu trở nên ô nhiễm, còn những đàn cá thì biến mất. Ông lo sợ rằng bầy đom đóm cũng sẽ biến mất chỉ trong vòng một năm.
Ông chia sẻ: “Tôi có cảm giác như cuộc sống của chúng ta đang bị hủy hoại”.
Theo Trà Mi (PhysOrg)