Ken Noguchi, vận động viên leo núi người Nhật, cùng những người tình nguyện bảy năm qua đã “tha” tổng cộng 8 tấn rác xuống núi Everest, trả lại sự sạch sẽ trong lành cho nóc nhà thế giới.
Từ đỉnh Everest
Tám năm về trước, chàng trai Ken Noguchi 25 tuổi bước vào hành trình chinh phục Everest sau hai lần bất thành. Ngày 13-5-1999, Ken đặt chân lên đỉnh Everest, trở thành người trẻ nhất thế giới chinh phục hết bảy đỉnh núi cao nhất ở các châu lục. Trước khi đến Everest, anh đã lần lượt chinh phục đỉnh Elbrus (châu Âu), Denali (Bắc Mỹ), Aconcagua (Nam Mỹ), Kilimanjaro (châu Phi), Kosciusko (châu Úc) và Vinson Massif (Nam cực).
Nếu như trước khi đi Ken mang tâm trạng háo hức bao nhiêu thì khi đến nơi anh lại thất vọng bấy nhiêu. “Tôi luôn nhìn thấy những hình ảnh đẹp đẽ về Everest trên tivi. Nhưng khi đặt chân đến nơi, thứ đầu tiên đập vào mắt tôi là rác. Rác ở khắp mọi nơi” – Ken nhớ lại. Các nhà leo núi trước đó đã vô tư bỏ lại nào là bình dưỡng khí, lều bạt, hộp đựng thức ăn, bình gas, gậy… Đa số loại rác này mang nhãn hiệu của Nhật Bản. Thấy vậy, một người châu Âu cùng đoàn leo núi với Ken buột miệng: “Người Nhật có kinh tế hạng nhất nhưng ý thức chỉ đáng hạng ba!”. Ken thừa nhận chính câu nói ấy đã khơi mào cho quyết tâm làm sạch Everest bằng mọi giá.
Một năm sau Ken trở lại Everest cùng một đội leo núi quốc tế, bắt đầu chiến dịch thu dọn những thứ rác rưởi bị bỏ lại trên Everest. Trung bình mỗi năm anh cùng đồng đội lên núi dọn rác một lần. Với khối lượng rác khổng lồ đem xuống từ độ cao 8.000m, đoàn của anh cứ xuống 2.000m phải dừn
Ken Noguchi (ngồi) bên những bình dưỡng khí phế thải thu nhặt từ Everest (Ảnh: OhMyNews) |
g lại một lần để nghỉ mệt, chính vì vậy mỗi chuyến dọn rác mất gần hai tháng trời. “Công việc thật sự rất khó khăn, nhất là khi nhiệt độ tăng dần và thỉnh thoảng lại có các trận lở tuyết. Nhiều lúc tôi sợ chính mình cũng sẽ trở thành rác” – Ken kể.
Đến núi Phú Sĩ
Tính đến nay tổng số rác được dọn khỏi Everest là 8 tấn, trong đó có hơn 400 bình dưỡng khí. Khi chiến dịch thu gom rác trên đỉnh Everest được thế giới biết đến và ủng hộ, Ken nghĩ đã đến lúc vận động người dân Nhật Bản làm điều tương tự với núi Phú Sĩ, biểu tượng của quê hương mặt trời mọc. Năm 2004, anh mở một cuộc triển lãm các loại rác thu được từ núi Everest tại Tokyo. Trong cuộc họp báo, Ken nói: “Núi Phú Sĩ của chúng ta được biết đến trên khắp thế giới. Có nhiều người nước ngoài đến đây, nhưng khi lên núi họ nhìn thấy những thứ rác giống như thế này”.
Người dân Nhật vốn tự hào với truyền thống ngăn nắp, sạch sẽ ngay lập tức cảm thấy xấu hổ. Những chuyến thu gom rác trên núi Phú Sĩ do Ken dẫn đầu sau đó đã nhận được sự tham dự của rất nhiều người. Anh đã dọn dẹp mọi thứ khỏi núi, từ một chiếc tivi 27 inch đến màn hình máy tính và pin ôtô. Nỗ lực của Ken đã giúp trả lại cảnh quan sạch sẽ cho núi Phú Sĩ. Hiện nay, anh đang cùng những người tình nguyện triển khai dự án xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại 48 địa điểm trên núi.
Thuở nhỏ, Ken Noguchi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ chinh phục các đỉnh núi, nói gì đến việc dọn rác ở những nơi này. Sinh tại Boston (Mỹ) trong một gia đình giàu có với bố là nhà ngoại giao người Nhật, còn mẹ là người Ai Cập, từ nhỏ Ken đã bộc lộ tính khí nổi loạn. Năm vào trung học, anh bị bố gửi về Nhật để “tu tâm dưỡng tính” sau khi đánh nhau với bạn học. Chính trong thời gian này, Ken đọc được quyển sách Một tuổi trẻ cống hiến cho các ngọn núi của nhà thám hiểm người Nhật Naomi Uemura. 16 tuổi, anh chinh phục đỉnh Mont Blanc, bấy giờ được xem là đỉnh núi cao nhất châu Âu, rồi gắn liền cuộc đời với những dốc núi kể từ lúc đó. “Khi một người bước chân vào cuộc leo núi tức là chấp nhận hiểm nguy cận kề. Điều quan trọng là không bao giờ bỏ cuộc. Điều đó cũng tương tự với việc bảo vệ môi trường. Chúng ta không thể một mình làm hết mọi chuyện, nhưng nếu khi tổ chức được một nhóm những người cùng chí hướng thì không có chuyện gì là không thể” – Ken nói.
THANH TRÚC
Theo Tuổi trẻ