Từ nguyên lý hội tụ ánh sáng, năng lượng Mặt trời chiếu vào gương, ánh sáng phản chiếu, hội tụ vào động cơ, nhóm các nhà khoa học Viện Vật lý thuộc Viện KH&CN Việt Nam đã làm động cơ hoạt động, biến năng lượng ánh sáng thành điện năng, cơ năng.
Ts. Nguyễn Thế Hùng – Chủ nhiệm công trình cho biết, những ngày thử nghiệm đầu tiên nhóm nghiên cứu đã dùng giấy bạc dán lên chiếc gương lõm tự chế, nguồn nhiệt hội tụ đã đốt cháy giấy, dây điện. Được sự giúp đỡ của đồng nghiệp, ông tìm được chiếc gương lõm của Nga với đường kính hơn 40cm có độ chính xác cao, khả năng hội tụ ánh sáng chính xác, nhiệt độ thu gom có thể nung đỏ thanh sắt.
Từ nguyên lý tích, tản nhiệt trong tự nhiên, ông suy đoán về cột mốc năng lượng thứ ba có khả năng thu năng lượng từ ánh nắng Mặt trời để làm nóng không khí trong động cơ. Khí nóng bị giãn nở, sinh ra lực đẩy, làm xi lanh chuyển động. Từ đó, ông nghĩ đến việc thiết kế chiếc động cơ chạy bằng ánh nắng Mặt trời.
Tuy nhiên, việc chế tạo động cơ lại không đơn giản vì trình độ cơ khí chính xác ở Việt Nam không đáp ứng yêu cầu, nên dù nhiệt độ tích tụ khá cao nhưng động cơ không hoạt động. Qua nhiều lần cải tiến, từ chiếc gương lõm, điểm hấp thụ nhiệt trên động cơ, buồng lưu khí nóng trong xi lanh, cuối cùng, động cơ cũng hoạt động.
Theo công bố của một số nước ứng dụng công nghệ sản xuất điện từ động cơ ánh sáng, 1m2 gương lõm có thể thu nhiệt để sản sinh ra khoảng 1.300W. Cũng theo tính toán này, hiệu suất sử dụng nguồn ánh nắng Mặt trời của động cơ ánh sáng thường đạt khoảng 30%. Như vậy, với hiệu suất 30%, lượng điện sản sinh từ 1m2 kính tương đương 400W. Với 100m2 gương kính có thể sản sinh lượng điện tương đương 40.000W. Đặc biệt, triển khai công nghệ này không tốn diện tích, có thể lắp đặt ở bất cứ đâu, quy mô công suất tùy biến và không tốn mạng truyền dẫn lớn, dễ vận hành và bảo dưỡng… Ngoài ra, việc chạy động cơ ánh sáng sử dụng ánh nắng Mặt trời nên không gây hại đến môi trường và có thể tận dụng nguồn tài nguyên vô tận.
Ts. Hùng cho biết, Viện KH&CN Việt Nam cũng xem xét đến việc xây dựng dự án sản xuất thử nghiệm để nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện công nghệ. Hiện nay nhóm nghiên cứu đang tiến hành chế tạo chiếc động cơ ánh sáng thứ hai với công suất phát điện đạt khoảng 200W. Dự kiến việc chế tạo sẽ hoàn thành vào khoảng đầu năm 2010.
Theo KH & PT