Động đất làm một thành phố chuyển dịch gần 2m

Các dụng cụ đo lường địa chấn cho biết: Trận động đất 8,8 độ Richter xảy ra cách đây một tuần đã làm thành phố Concepcion bị chuyển dời ít nhất là 2 met về phía Tây.

Những rung động mạnh – đứng thứ 5 từ xưa tới nay – cũng làm cho nhiều vùng khác nữa của Nam Mỹ bị chuyển dịch, từ đảo Falkland (còn gọi là Malvinas) ở cực đông của Nam Mỹ tới Fortaleza thuộc Braxin ở vùng biển phía Bắc của nước này.

Trận động đất diễn ra trên bờ biển vùng Maule, Chile, một trong những điểm nóng của Trái đất, nơi mà mảng kiến tạo Nazca bị dồn nén ở phía dưới. Sức căng tạo ra khi các địa tầng trượt lên nhau và khiến Chile phải giãn ra để giải tỏa những dồn nén này.

Người ta có thể đo được chuyển động của Trái đất trong khi trận động đất đang xảy ra bằng cách so sánh các địa điểm ghi nhận một cách chính xác trên vệ tinh địa tĩnh (GPS) trước và sau khi động đất. Những số đo này cho phép các nhà khoa học hiểu rõ hơn các quá trình địa chấn trong trận động đất.

Giáo sư Ben Brooks, Trường ĐH Hawaii và các nhà nghiên cứu trong dự án GPS của Chile cho biết: “Đây là một trận động đất lớn nhất mà chúng tôi đã nghiên cứu. Hiện chúng tôi đã có trong tay các máy móc, thiết bị hiện đại và chính xác để đánh giá hiện tượng này, nhờ vậy đã có thể đo đạc các số liệu từ trên không để xác định những thay đổi do động đất gây ra”. Với các dữ liệu mà GPS thu được, các nhà nghiên cứu đã xây dựng được tấm bản đồ về khoảng chuyển dịch các địa điểm do động đất ở Maule, Chile.

Những sự dịch chuyển khác trên lục địa Nam Mỹ do động đất còn xảy ra tại Buenos Aires, Thủ đô của Achentina với độ dịch chuyển đo được là 2,5cm và Santiago, Thủ đô của Chile, là 2,8cm. Các thành phố Valparaiso và Mendoza thuộc Achentina và đông bắc Concepcion cũng bị dịch chuyển một cách đáng kể.

Chương trình nghiên cứu dự án trong thời gian tới là tăng số trạm GPS hiện nay là 25 trạm nằm rải rác trên những ngọn núi ở Trung và Nam Mỹ lên gấp ba lần mới có thể thu nhận được một bức tranh hoàn chỉnh về những sự dịch chuyển và biến dạng lớp vỏ Trái đất ở vùng lãnh thổ này.

Mike Bevis thuộc Trường ĐH Ohio, là Chủ nhiệm chương trình từ năm 1993 nói: “Chỉ bằng cách xây dựng những trạm mới thì mới có thể kiểm soát được những sự biến dạng sau động đất thường diễn ra nhiều năm tiếp theo và cho phép chúng ta hiểu được vật lý của quá trình rất phức tạp trong lòng đất này”.

 

Theo VietNamNet (LiveScience)