Động đất tại Tứ Xuyên có thể vì nhân tai

0
116

Một số nhà khoa học đang đưa ra giả thuyết cho rằng, một đập nước nhân tạo có thể là thủ phạm gây nên trận động đất khủng khiếp tháng 5 năm ngoái tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, làm 87.000 người chết và mất tích. 

Một đợt xả nước tại đập Zipingpu, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: cryptome.cn.

Một nhà địa chất tại Đại học Columbia (Mỹ), người đã nghiên cứu động đất trong nhiều năm, cho rằng sức nặng của 320 triệu tấn nước trong đập Zipingpu khiến một rãnh nứt lớn trong khu vực giãn ra và gây nên cơn địa chấn. Nhiều nhà địa chất Trung Quốc cũng khẳng định áp lực khổng lồ của nước trong đập Zipingpu ở tỉnh Tứ Xuyên làm giãn các khe nứt địa chất, dẫn đến thảm họa.

Fan Xiao, kỹ sư trưởng của Cơ quan Địa chất và Khoáng sản Tứ Xuyên, là một trong những người đề xướng giả thuyết trên. “Đập Zipingpu được xây dựng ngay trên khu vực có khe nứt gây nên cơn địa chấn, vì thế rất có thể nó tác động lên khe nứt”, ông nhận định.

Trong giới khoa học, hiện tượng mà Fan nói tới được gọi là “địa chấn do đập chứa nước gây ra”. Trên thực tế, đập chứa nước tại nhiều nơi trên thế giới đã gây nên những trận động đất với nhiều mức độ khác nhau. Nhưng nếu giả thiết của Fan đúng thì đây sẽ là lần đầu tiên một đập nước gây nên trận động đất có cường độ tới 8 độ Richter.

Đập nước Zipingpu được đưa vào sử dụng từ năm 2004, có độ cao 156 mét và có thể chứa tới 1,1 tỷ mét khối nước. Công trình nằm ở một nơi cách tâm chấn 5 km. Fan cho biết, kể từ cuối năm 2004 tới cuối năm 2005, cơ quan Địa chất và Khoáng sản Tứ Xuyên đã ghi nhận 730 cơn địa chấn có cường độ nhỏ hơn 3 độ Richter.

Fan cho biết thêm, vị trí của đập là một nhân tố rất quan trọng. Ông phát hiện ra hiện tượng cơn địa chấn khủng khiếp xảy ra vào đúng thời điểm mực nước trong đập đang giảm rất nhanh. “Đối với những trận động đất do đập nước gây ra, giai đoạn nguy hiểm nhất xuất hiện sau khi mực nước trong đập đạt cực đại và hạ xuống. Sự thay đổi đột ngột ấy có thể khiến khe nứt rơi vào trạng thái mất ổn định. Trong khi đó thì mực nước trong đập Zipingpu giảm cực nhanh ngay trước khi động đất xảy ra”, ông nói. 

Đập Zipingpu nhìn từ trên cao. Ảnh: internationalrivers.org.

Lei Xinglin, một chuyên gia địa chất thuộc Cơ quan nghiên cứu động đất Trung Quốc, cũng công bố một bản báo cáo vào tháng 12 năm ngoái, trong đó ông khẳng định quá trình tích trữ và xả nước trong đập Zipingpu tác động tới các rãnh nứt địa chất trong khu vực xảy ra động đất.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác tại Trung Quốc lại bác bỏ giả thuyết này và tuyên bố động đất tại Tứ Xuyên là thảm họa tự nhiên chứ không phải nhân tai. Wu Faquan, chuyên gia tại Viện Địa chất và Địa vật lý Trung Quốc, cho rằng một số lực tự nhiên dưới lòng đất gây nên cơn địa chấn.

“Sau nhiều nghiên cứu và khảo sát, phần lớn nhà khoa học Trung Quốc kết luận cơn động đất tại Tứ Xuyên xuất hiện bởi bởi các chuyển động của lớp vỏ Trái đất”, ông phát biểu. Kỹ sư thủy lợi nổi tiếng của nước này là Pan Jiazheng cũng bác bỏ giả thuyết nhân tai và khẳng định: “Đập nước gây nên động đất có cường độ tới 8 độ Richter là sự kiện chưa từng xảy ra trên thế giới”.

Từ trước tới nay, thế giới mới chỉ phát hiện 4 cơn địa chấn có cường độ từ 6 độ Richter do đập nước gây nên, trong đó một xảy ra tại tỉnh Quảng Đông. Nhưng kỹ sư trưởng của Cơ quan Địa chất và Khoáng sản Tứ Xuyên Fan Xiao cung cấp thêm một bằng chứng rằng, nhiều khu vực từng hứng chịu hiện tượng rung lắc của vỏ địa cầu với cường độ thấp hơn và khu vực xung quanh đập Zipingpu từng rung chuyển bởi một cơn địa chấn có cường độ 6,5 độ Richter.

“Do cơn địa chấn trong khu vực quá mạnh, đập Zipingpu có thể gây nên một trận động đất có cường độ lớn hơn”, ông giải thích. Theo quan điểm của Fan thì ngăn ngừa động đất nên được coi là ưu tiên hàng đầu khi sửa chữa các đập bị hư hại bởi cơn địa chấn tại Tứ Xuyên. Thậm chí ông còn kêu gọi chính phủ hủy bỏ kế hoạch xây dựng lại một số đập.

Nhiều nhà khoa học Trung Quốc cho rằng mối liên hệ giữa đập nước và động đất chưa được chứng minh rõ ràng nên cần phải có thêm nhiều nghiên cứu để làm rõ.

 

Theo VnExpress (AFP, IHT)