Động vật có thể nhận ra chúng khi soi gương?

0
101

Nhìn thấy hình ảnh mình với cặp chân mày bất ngờ bị nhuộm đỏ, 4 con tinh tinh đã giật mình, phản ứng giống như con người khi rơi vào trường hợp tương tự.

Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học kiểm tra độ thông minh của động vật bằng cách quan sát xem liệu chúng có thể nhận ra chính mình trong gương hay không?

Vào năm 1970, nhà tâm lý học Gordon Gallup Jr đã gây tê 4 con tinh tinh và nhuộm đỏ lông mày của chúng. Khi các con tinh tinh này bắt gặp mình trong gương, chúng phản ứng giống như con người khi rơi vào trường hợp tương tự.

Chúng dùng tay chạm vào lông mày, sờ vào những dấu vết này trong một thời gian khá lâu. Gallup kết luận rằng những con tinh tinh có thể nhận ra hình ảnh của nó. Điều này là một dấu hiệu cho thấy chúng sở hữu một hình thức thông thái cấp cao: khả năng nhận diện bản thân.

Loài chó có thể nhận diện được mùi hơn là hình ảnh của chúng – (Ảnh: MARC PISCOTTY).

Một phương cách nổi tiếng để kiểm tra độ thông minh của động vật chính là bài test “nhận diện qua gương”. Cụ thể, những loài động vật được đánh dấu trên một phần cơ thể mà chúng thường không thấy, và cho chúng tiếp xúc với gương.

Nếu chúng bất ngờ và kiểm tra cái vết đó trên chính cơ thể của mình chứ không phải trong gương, và chúng tác động vào những khu vực này lâu hơn bình thường, thì chúng vượt qua bài kiểm tra.

Ngoài tinh tinh và một số loài đười ươi, những loài khác như cá heo, voi châu Á, chim ác châu Âu cũng đã vượt qua bài test này. Chúng ta chắc hẳn nghĩ đây là những động vật thông minh.

Tuy nhiên, cũng có không ít loài động vật nổi tiếng khéo léo như quạ, vẹt, khỉ đột, khỉ, chó, và thậm chí là những đứa trẻ nhỏ đã thất bại khi làm bài test.

Nhiều nhà khoa học cho rằng bài test này thiên vị bởi nó được thiết kế cho những động vật sử dụng thị lực như là giác quan chính.

Cụ thể với chó, loài này sống chủ yếu bằng khứu giác. Nếu muốn biết liệu chúng có thể nhận ra chính mình hay không, bạn phải đặt nó trong thế giới của chúng – khứu giác.

Marc Bekoff từ Đại học Colorado, Mỹ đã tiên phong thực hiện điều này với chính con chó của ông tên là Jethro. Suốt 5 mùa đông, ông ấy đào những lớp tuyết mà Jethro và những con chó khác đã tiểu lên và di chuyển đến những vị trí mới.

Ông phát hiện rằng Jethro cần ít thời gian hơn để ngửi ra mùi nước tiểu của nó so với những con chó khác. “Nó không thể nhận ra mình trong gương nhưng hoàn toàn có thể nhận ra mùi của nó”, Bekoff cho biết.

Lấy cảm hứng từ thí nghiệm này, Horowitz đã thực hiện một nghiên cứu rộng hơn và hoàn thiện hơn. Cô tuyển 36 tình nguyện viên ở New York và cho chó của họ phân biệt từng cặp hộp khác nhau.

Cả hai đều chứa vài giọt nước tiểu của chính con chó đó, nhưng một hộp được thêm vào một mùi hương khác – có vai trò giống như vết đỏ trên đầu của các động vật trong thí nghiệm với gương.

Kết quả, bọn chó dành nhiều thời gian hơn để ngửi cái hộp có mùi hỗn hợp hơn.

Chó sống chủ yếu bằng khứu giác.

Horowitz lặp lại thí nghiệm với 12 con chó mới. Lần này, cô thay đổi chiếc hộp được thêm mùi lạ bằng cách làm cho nước tiểu của chúng mang mùi trung tính hơn. Và một lần nữa, những con chó này dành thời nhiều thời gian hơn để nghiền ngẫm những mẫu có lẫn tạp chất khác.

“Với tôi, đây là một phát hiện thú vị, tương tự như câu chuyện loài vượn nhìn vào dấu vết đỏ trên đầu của chúng vậy”, Horowitz nói.

“Nghiên cứu này cho thấy cách mà chúng ta hỏi về độ thông minh của một loài động vật cũng quan trọng hệt như chính câu hỏi chúng ta đặt ra vậy”, Moniquie Udell, người nghiên cứu về trí thông minh của chó từ Đại học tiểu bang Oregon nhận xét.

“Trong nhiều trường hợp, việc bắt con chó thực hiện những bài tập được thiết kế riêng cho loài tinh tinh giống như là bắt một người Anh bản xứ làm bài kiểm tra kiến thức bằng loại ngôn ngữ mà họ chưa được học vậy”, cô thêm.

 

Theo Tuổi Trẻ