Một nghiên cứu tại Anh cho thấy tất cả động vật linh trưởng cỡ lớn biết cười giống như con người. Đây là bằng chứng nữa cho thấy, con người và động vật linh trưởng có tổ tiên chung.
Tiến sĩ Davila Ross và một con tinh tinh tại Zambia. Ảnh: AP. |
Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng cười là hành vi mang tính bản năng của con người, bởi nó xuất hiện trong mọi nền văn hóa và mọi thời đại. Những người bị câm, điếc, mù từ khi mới chào đời hoặc bị cô lập với xã hội loài người cũng biết cười. Vì thế mà nhiều nhà khoa học cho rằng tiếng cười đã xuất hiện từ khi tổ tiên của chúng ta vẫn còn là vượn người. Tuy nhiên, chưa có ai tìm ra bằng chứng để khẳng định giả thuyết đó.
Marina Davila Ross – nhà linh trưởng học và chuyên gia tâm lý của Đại học Portsmouth (Anh) – cùng cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu về hành vi cười của khỉ đột, tinh tinh, khỉ bonobo, đười ươi và người. Họ đã cù vào cổ, bàn chân, bàn tay và nách của những cá thể sơ sinh và cá thể trưởng thành. Họ ghi âm hơn 800 âm thanh mà đối tượng nghiên cứu phát ra sau khi bị cù.
Sau khi phân tích những điểm khác biệt và tương đồng về âm thanh, các nhà khoa học đã lập được “sơ đồ tiến hóa âm thanh” của cả 5 loài. Nó khá giống sơ đồ tiến hóa gene của động vật linh trưởng. “Chúng tôi kết luận rằng tất cả âm thanh mà 5 loài phát ra đều có chung một nguồn gốc” Davila Ross giải thích.
Động vật linh trưởng, gồm cả con non và con trưởng thành, đều cười khi nô đùa hoặc cù nhau. Ảnh: National Geographic. |
Davila Ross khẳng định phần lớn chúng ta có thể phân biệt tiếng cười của người với tiếng cười của động vật linh trưởng. Theo bà, tiếng cười của người có nhiều điểm đặc trưng vì chúng ta tiến hóa nhanh hơn động vật linh trưởng trong 5 triệu năm qua. Nhưng còn một bí ẩn chưa được giải đáp tại sao động vật linh trưởng cười?
“Tôi rất muốn biết vai trò của tiếng cười trong đời sống của động vật linh trưởng, đặc biệt là những điểm khác biệt so với con người”, Davila Ross nói. Trước đây giới nghiên cứu cho rằng tinh tinh biết cười, song chúng làm được việc đó khi hít không khí vào và thở ra. Trong khi đó con người chỉ thở ra khi cười.
Tuy nhiên, Davila Ross và cộng sự đã tìm ra bằng chứng cho thấy, phần lớn động vật linh trưởng biết cười, chứ không chỉ riêng tinh tinh. Tiếng cười của khỉ đột và khỉ bonobo có nhiều đặc điểm giống người. Chẳng hạn, chúng chỉ cười khi thở ra và thời gian thở ra dài gấp 3-4 lần so với hơi thở bình thường. Trước đây giới khoa học nghĩ rằng hành vi kiểm soát thời gian thở như vậy – đóng vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển tiếng nói – chỉ có ở con người.
Sự kết hợp giữa cách thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt, cách thở và âm thanh của cả 5 loài khi cười đưa nhóm nghiên cứu tới một kết luận: Tiếng cười của con người có từ khoảng 10-16 triệu năm trước và bắt nguồn từ động vật linh trưởng. Ngày nay, cả con người và động vật linh trưởng đều phát ra tiếng cười khi nô đùa và cù nhau.
Theo VnExpress (National Geographic, BBC)