Trên thế giới hiện chỉ còn 13 con tê giác trắng miền Bắc (ảnh) trong khi nhiều loài động vật khác cũng đang bên bờ vực tuyệt chủng. Thomas Hildebrandt và đồng nghiệp ở Viện nghiên cứu vườn thú và động vật hoang dã Berlin (Đức) là những người tiên phong sử dụng biện pháp gây giống nhân tạo để tái gầy đàn các loài tê giác, voi và thậm chí là thằn lằn Komodo quý hiếm ở Indonesia.
Trong 6 năm qua, chỉ mới có một con tê giác trắng miền Bắc được sinh ra. Tiến sĩ Hildebrandt cho rằng chỉ thụ tinh nhân tạo sẽ không cứu được loài này. Do đó, nhóm của ông phát triển một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mới. Sau khi hợp tác với nhóm chuyên gia đến từ Hà Lan, Australia và Trung Quốc, ông đã thu thập thành công trứng của loài tê giác trắng miền Nam (có số lượng cá thể đông hơn tê giác trắng miền Bắc) tại sở thú Western Plains ở bang New South Wales (Australia). Số trứng này được thụ tinh trong ống nghiệm và đã phát triển thành phôi thai.
Cuối năm nay, các chuyên gia sẽ bắt đầu lấy trứng của tê giác trắng miền Bắc ở CH Czech và nếu tiến triển tốt, một số tê giác con sẽ ra đời.
Kể từ năm 1989 đến nay, nhóm của tiến sĩ Hildebrandt đã rong ruổi khắp thế giới với hy vọng có thể cứu giúp các loài động vật quí hiếm. Nhiều sở thú và các dự án bảo tồn động vật ở nhiều nước đã nhờ đến họ trong các chương trình gây giống nhân tạo trên động vật.
THANH TRÚC
Theo BBC, Báo Cần Thơ