Động vật rừng Việt Nam (1)

Việt Nam được coi là một trong những nước thuộc vùng Đông Nam Á giàu về đa dạng sinh học. Ở Việt Nam, do sự khác biệt lớn về khí hậu từ vùng gần Xích đạo tới giáp vùng cận nhiệt đới, cùng với sự đa dạng về địa hình đã tạo nên sự đa dạng về thiên nhiên và sinh học cao.

Mặc dù có những tổn thất quan trọng về diện tích rừng trong một thời kỳ kéo dài nhiều thế kỷ, hệ động thực vật rừng Việt Nam vẫn còn phong phú về chủng loại.

Với hệ động vật, hiện đã thống kê được 275 loài thú, 828 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài ếch nhái, 472 loài cá nước ngọt, khoảng 2.000 loài cá biển và thêm vào đó có hàng chục ngàn loài động vật không xương sống ở cạn, ở biển và nước ngọt.

Hệ động vật Việt Nam không những giàu về thành phần loài mà còn có nhiều nét độc đáo, đại diện cho vùng Đông Nam Á và có nhiều loài đặc hữu.

LĐĐT xin giới thiệu một số hình ảnh loài đại diện cho hệ động vật.

1. Bò rừng

Thức ăn chủ yếu lá cỏ, lá cây. Sinh sản vào tháng 6 – 7. Thời gian có chửa 270 – 280 ngày. Mỗi năm một lứa, mỗi lứa 1 con.

Chúng thích sống ở những sinh cảnh thưa thoáng mát, nhất là rừng khộp. Nơi ở thường là những khu rừng rậm rạp hoặc thung lũng. Bò rừng sống thành đàn từ 10 – 30 con, tập tính sống đàn, ban đêm nghỉ ngơi ngủ, quây thành vòng tròn, con non, con già ở giữa, con tơ khoẻ ở vòng ngoài bảo vệ đàn. Hoạt động kiếm ăn ban ngày vào sáng và chiều tối, buổi trưa nghỉ ngơi và nhai lại.

Phân bố: 

– Việt Nam: Trước đây có ở giữa Biên Hoà, Bà Rịa đến Phan Rí, Đắc Rinh, Phan Thiết, Lâm Đồng, sông La Ngà. Hiện nay có từ Kontum , Đắc Lắc (Đắc Min, Easúp) đến Đồng Nai (Nam Cát Tiên), Sông Bé (Bù Gia Mập).

– Thế giới: Mianma, Thái Lan, Đông Dương, Malaysia; Borneo, Sumatra, Giava (Indonesia).

2. Bò tót

Thực ăn của bò tót là cỏ và lá cây, măng tre, nứa. Sinh sản vào tháng 6 – 7. Thời gian có chửa 270 – 280 ngày. Mỗi năm một lứa, mỗi lứa 1 con.

Nơi sống của bò tót là rừng giá thường xanh, rừng hỗn giao, rừng thứ sinh, rừng khộp, địa hình tương đối bằng phẳng ở độ cao 500 – 1.500m so với mặt biển. Hoạt động ban ngày ở rừng thưa, trảng cỏ cây bụi, sống thành từng đàn 5 – 10 con (có đàn 20 – 30con), đôi khi cũng gặp những cá thể sống đơn độc.

Phân bố:

– Việt Nam: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam – Đà Nẵng, Gia Lai, Kom Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng (Bảo Lộc) Đồng Nai (La Ngà, Vĩnh An, Nam Cát Tiên) Sông Bé, Tây Ninh

– Thế giới: Nepal, Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia.

3. Báo gấm

Thức ăn chủ yếu của báo gấm là các loài chim thú nhỏ như khỉ, voọc, cu ly, cheo cheo, nai non và hoẵn. Mùa sinh sản thường vào mùa hè. Thời gian có chửa 90 – 95 ngày, mỗi lứa đẻ 2 – 4 con.

Bào gấm sống ở rừng rậm nhiều tầng, trên núi đất, núi đá. Chúng sử dụng các hang hốc tự nhiên làm tổ đẻ. Hoạt động ban đem, leo trèo giỏi, bắt mồi từ trên cây. ban ngày thường ngủ trên cành cây.

Phân bố:

– Việt Nam: Tuyên Quang (Chiêm Hoá), Lài Châu (Mường Tè), Lạng Sơn (Bắc Sơn, Hữu Liên), Sơn La (Thuận Châu, Bắc Yên, Quỳnh Nhai, Sông Mã), Vĩnh Phú (Thanh Sơn), Hòa Bình (Đà Bắc), Gia Lai, Kontum (Xa Thầy, Kom Hà Nừng).

– Thế giới: Nepal, Ấn Độ (Assam, Sikkim), Mianma, nam Trung Quốc (Hải Nam), Đài Loan, Đông Dương, Thái Lan, Malaysia; Borneo, Sumatra (Indonesia).

4. Báo hoa mai

Thức ăn chủ yếu là các loài thú khác như nai hươu, hoẵng, lợn rừng, khỉ và động vật nuôi như trâu bò, dê, cừu… mùa sinh sản không rõ rệt. Thời gian có chửa 94 – 98 ngày, mỗi lứa đẻ 1 con. Mỗi năm hoặc 3 năm đẻ 1 lứa.

Chúng sống trong nhiều kiểu rừng, rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh và cây bụi kề rừng. Chỗ ở không cố định. Vùng hoạt động rộng ở nhiều độ cao khác nhau. Có thể leo trèo cây lớn cao 2 – 3m. Sống đơn độc, chỉ ghép đôi trong thời kỳ động dục và hợp đàn tạm thời lúc săn mồi.

Phân bố:

– Việt Nam: Các tỉnh miền núi từ Bắc tới Nam.
– Thế giới: Châu Á, Châu Phi (trừ xa mạc Sahara).

5. Báo lửa

Thức ăn gồm thú cỡ nhỏ: thỏ, khỉ, nai non, hoẵng, mễn, lợn rừng non, và các loài chim… không có mùa sinh sản rõ rệt. Thời gian có chửa là 95 ngày.

Báo lửa sống trong nhiều kiểu rừng như rừng già, rừng tái sinh, trảng cây bụi, cạnh rừng trên núi đất và núi đá. Cảnh quan ưa thích là rừng nhiều tầng, có tầng thấp phát triển, mặt đất có nhiều lá nổi. Báo lửa không có chỗ ở cố định lâu dài. Sống đơn độc làm tổ ở gốc cây, hốc đá.

Phân bố:

– Việt Nam: Báo lửa phân bố rộng ở các tỉnh miền núi phía Bắc và phía Nam

– Thế giới: Nepal, Ấn Độ (Assam, Sikkim), Mianma, nam Trung Quốc, Đông Dương, Thái Lan, Malaysia, Sumatra (Indonesia).

6. Bò xám

Bò xám kiếm thức ăn ở ven rừng, thức ăn là cỏ, lá cây rừng, măng tre, nứa. Người ta nhận thấy bò con thường xuất hiện vào tháng 12 và tháng 1. Thời gian có chửa 9 tháng. Mỗi năm một lứa, mỗi lứa 1 con.

Bò xám sống ở rừng già, rừng thưa, rừng khộp. Sống thành từng nhóm 3 – 4 con lẫn với các đàn bò rừng, bò tót hoặc sống thành từng đàn từ 4 – 20 con.

Phân bố:

– Việt Nam: Gia Lai, Kontum (Sa Thấy), Đắc Lắc (Yokđôn), Sống Bé (Bù gia Mập).
– Thế giới: đông Nam Thái Lan, Nam Lào và đông bắc Campuchia.

7. Chà vá chân nâu

Thức ăn chủ yếu của voọc vá là quả cây rừng, lá nõn cây, ngô khoai, sắn và rau xanh trên nương rẫy. Mỗi năm đẻ 1 con, voọc con xuất hiện trong đàn vào mùa xuân đầu mùa hạ.

Chà vá chân nâu sống trong rừng già, rừng nguyên sinh trên núi cao 500 – 1.000 m so với mặt biển. Vùng hoạt động kiếm ăn cả ở rừng thứ sinh, rừng thưa, rừng hỗn giao trong thung lũng trên núi thấp, nương rẫy.

Voọc vá sống thành đàn 5 – 10 con, có đàn đông tới 20 – 30 con. Mỗi đàn có vùng sống hoạt động riêng tách biệt tương đối với các đàn khác. Hoạt động ban ngày vào hai buổi sáng và chiều tối. Buổi trưa và đêm nghỉ ngơi, trú ẩn trên cây cao, trên mỏm đá, hoặc trong hốc đá khi trời lạnh.

Phân bố:

– Việt Nam: Từ Thanh Hóa (19030 độ vĩ bắc) dọc dãy Trường Sơn tới Gia Lai, Kontum , Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh.

– Thế giới: Đảo Hải Nam, Lào, Campuchia.

8. Chó rừng

Chó sói vàng thường sống ở các khu rừng ven nương rẫy, có thể gần các trạng trại hay khu dân cư trong rừng. Sống đơn hay sống đôi, kiếm ăn đêm. Khác Chó sói lửa, Chó sói vàng khá bạo dạn, chúng có thể vào tận nơi ở trong rừng của con người khi họ đã đi ngủ để kiếm ăn.

Thức ăn của chúng là thú nhỏ, Chim, bò sát, ếch nhái. Ở Thái Lan theo B.lekagul, 1988 Chó rừng thường theo Hổ để ăn các mẩu thịt Hổ để lại.

Phân bố: Loài này có ở các nước Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Ở nước ta mới gặp loài này ở Tây Nguyên (Gia Lai, Kontum). Lần đầu tiên đã tìm thấy loài này ở Đắc Lắc.

9. Chó sói đỏ

Thức ăn của sói đỏ là nai, hoẵng lợn rừng, động vật nuôi và các loài chim lớn. Sinh sản hầu như quanh năm, nhưng tập chung nhất là vào các tháng 11 – 2. Thời gian có chửa khoảng 9 tuần. Mỗi lứa đẻ 4 – 6 con, có thể 10 – 11 con.

Chúng sống ở rừng, thường cư trú và hoạt động ở rừng già, những lúc săn đuổi mồi có thể về gần bản làng. Sói đỏ là thú ăn đêm, nhưng hoạt động tích cực vào lúc sáng sớm và chiều tối (có khi cả ban ngày), vùng hoạt động lớn và luôn thay đổi. Sống từng đôi hoặc đàn 5 – 7 con, khi săn mồi có thể nhập đàn 10 – 15 con.

Phân bố:

– Việt Nam: Lai Châu, Lào Cai (Sapa), Bắc Thái, Sơn La (Mộc Châu), Gia Lai, Kom Tum, Đắc Lắc. Sói đỏ có phân bố rộng ở các tỉnh miền núi.

– Thế giới: Liên xô (cũ), Nepal, Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Triều Tiên, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Sumatra, Giava, Indonesia.

10. Cheo cheo nam dương

Thức ăn chủ yếu của chúng là quả lá cây, cỏ. Mùa sinh sản kéo dài từ tháng 1 – 5. Thời gian có chửa 130 – 150 ngày. Mỗi năm đẻ 1 lứa, mỗi lứa đẻ 1 con.

Nơi sống và sinh thái:

Sống ở rừng già, rừng thưa cây lá rậm địa hình tương đối bằng phẳng. Nơi ở gốc cây to bụi cây móc. Chỉ ghép đôi trong thời kỳ động dục. Hoạt động ban đêm.

Phân bố:

– Việt Nam: Lạng Sơn (Yên Bình, Hữu Lũng), Vĩnh Phú (Tam Đảo), Thanh Hóa (Thường Xuân, Hồi Xuân), Nghệ An (Quỳ Châu, Phủ Quỳ), Hà Tĩnh (Hương Khê), Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Gia Lai, Kom Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sông Bé, Đồng Nai (La Ngà, Vĩnh An).

– Thế giới: Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia; Crimantan, Sumatra, Giava (Indonesia).

11. Cheo cheo napu

Thức ăn chủ yếu của chúng là qủa lá cây, cỏ. Mùa sinh sản chưa xác định. Thời gian có chửa 152 – 172 ngày. Mỗi năm đẻ 1 lứa, mỗi lứa đẻ 1 con.

Cheo cheo napu sống ở rừng già, rừng thưa trên núi đất địa hình tương đối bằng phẳng. Có lẽ chúng không thích nghi với vùng núi cao. Sống đơn độc, lặng, lẽ. Chỉ ghép đôi trong thời kỳ động dục.

Phân bố:

– Việt Nam: Khánh Hòa (Nha Trang). Theo tài liệu điều tra năm 1983 có khả năng còn ở Quảng Nam – Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Ngãi.

– Thế giới: Thái Lan, Đông Dương, Malaysia; Borneo, Sumatra, Giava (Indonesia).

 

 

Theo Sinh vật rừng VN, Lao động