Động vật tự tử – bí ẩn về “cái chết có ý thức”

Hàng ngàn chú cừu nhảy xuống vách đá, cá heo lên bờ biển phơi nắng… vẫn là bí ẩn mà đến nay các nhà khoa học chưa thể lý giải cặn kẽ.

Tự sát là hành vi tưởng chừng chỉ có ở con người nhưng trong vài năm gần đây, nó lại xuất hiện ở nhiều loài động vật.

Hiện tượng bí ẩn và những ghi nhận có thật

Những vụ tự sát của động vật bắt đầu được con người ghi nhận vào năm 1845 tại London. Tờ London News lúc đó có đưa tin, một chú chó thuộc giống Newfoundland đã cố gắng tự sát trong nhiều ngày – nó ném mình xuống nước hay tự dìm mình xuống nước đáy hồ.

Người chủ đã xích nó lại nhưng chỉ vài ngày sau, con vật giật đứt dây rồi tự đắm chìm mình một lần nữa. Người chủ tội nghiệp đành gửi con vật tới một bác sĩ thú y để giúp nó lấy lại cân bằng, nhưng rồi con chó đã chạy trốn rồi đâm đầu vào một chiếc xe đang đi trên đường.

Ric O’Barry và cá heo Kathy rất nổi tiếng thập niên 60

Gần 100 năm sau đó, huấn luyện viên cá heo Ric O’Barry đã kể lại cho khán giả giây phút kinh hoàng chứng kiến cá heo Kathy tự tử. Đây là một “cô” cá heo nổi tiếng trong thập niên 1960 trên chương trình truyền hình Flipper.

Ông kể lại rằng: “Cá heo và cá voi không thở một cách vô thức như chúng ta. Mỗi hơi thở của chúng là một sự nỗ lực có ý thức, vì thế chúng có thể kết thúc cuộc sống của mình bất cứ khi nào chúng muốn. Kathy đã thực sự chán nản. Nó bơi vào vòng tay tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi, hít một hơi thật sâu rồi nhịn thở. Tôi đã để nó ra đi nhẹ nhàng như thế”.

Hay ở Scotland vẫn ghi nhận hiện tượng kì lạ xảy ra suốt mấy chục năm nay. Đó là việc các chú chó mõm dài như collie, retriever và labrador liên tục tự sát tại Overtoun, Scotland. Trong vòng 50 năm, hơn 50 con chó đã nhảy xuống và chết ở cầu Overtoun. Điều kỳ lạ nữa là những con chó chết ở đây đều nhảy cùng một vị trí.

Theo thời gian, số lượng các vụ động vật tự sát ngày một nhiều và đáng sợ hơn. Ngày 18/11/1998, tại vùng biển New Zealand, hơn 300 con cá heo từ đại dương đã lao mình vào bờ rồi nằm phơi thân trên bãi biển khô, nóng. Nhiều du khách và nhân viên cứu hộ đã cố gắng đưa chúng ra lại biển nhưng các chú cá heo khác lại tiếp tục đâm đầu vào bờ một cách khó hiểu.

Cừu tự sát hàng loạt ở Thổ Nhĩ Kỳ

Vào năm 2005, rất nhiều người đã chứng kiến một sự kiện kì lạ, gần 1.550 con cừu nhảy xuống một vách đá ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các mục đồng choáng váng trước hiện tượng này. Và dù đã làm mọi cách để ngăn cản nhưng những con cừu vẫn điên cuồng lao xuống vực.

Gần 450 con chết ngay tức khắc, 1.100 con còn lại bị tàn tật, thương nhẹ do nằm đè lên xác của những con đã chết trước đó. Tuy nhiên chúng cũng gắng sức đập đầu vào vách đá để kết liễu tính mạng của mình.

Theo một báo cáo của trung tâm nghiên cứu động vật tại Singapore, ở Trung Quốc và Việt Nam cũng xuất hiện nhiều trường hợp gấu tự sát. vào năm 2009, một điều tra viên đã chứng kiến cảnh các con gấu trong một trại nuôi lấy mật nằm tuyệt thực và nằm bất động trong lồng. Chủ trại nói chúng đã tuyệt thực trong 10 ngày, đến ngày hôm sau thì chết.

Năm 2012, tại vịnh Monterey, hàng ngàn con mực Jumbo bỗng nhiên lao vào bờ tự tử. Nhiều người đã cố gắng cứu những con mực bằng cách đưa chúng trở lại biển nhưng sau đó, chúng vẫn tiếp tục lao vào bờ.

Hay mới đây, nhiều cá heo mẹ ở Taiji, Nhật Bản đã tự tử vì phải xa rời đứa con thân yêu của họ. Cá heo mẹ khi thấy đứa con bị giết hại hay bị lôi đi đã liên tục đập đầu vào mặt kính của bể nuôi cá hay ngừng thở vì quá đau buồn.

Lý giải khoa học về hiện tượng bí ẩn này

Đa phần các chuyên gia đều cho rằng, động vật không hề có khả năng tự sát vì những lý do xã hội giống con người, mà tất cả chỉ là sự rối loạn thần kinh tạm thời dẫn tới hành động không thể kiểm soát.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới thần kinh như bệnh tật, chấn thương, tuổi già hay mất định hướng trong không gian. Các chuyên gia cho rằng, có không ít trường hợp cá tự mắc cạn là do chúng đuổi theo con mồi đến quá gần vào bờ và rơi vào vùng biển nông nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều vụ việc tự sát hàng loạt của cá ở biển có liên quan tới hiện tượng thủy triều đỏ.

Thủy triều đỏ là một trong những nguyên nhân gây tự sát hàng loạt ở động vật

Thủy triều đỏ là hiện tượng tảo biển sinh sản với số lượng nhanh trong nước làm nước bị hóa màu đỏ, xanh. Trong quá trình nhân lên nhanh chóng, các loại tảo còn tạo ra các chất độc nguy hiểm, nhiều thành phần độc tố có khả năng gây tê liệt hệ thần kinh rất mạnh.

Trong nhiều vụ việc động vật biển tự sát, các nhà khoa học đã tìm thấy trong xác của chúng chất acid domoic vốn có trong tảo độc. Chất này khiến các loài bị tê liệt thần kinh, mất khả năng định hướng và đâm vào bờ.

Hay trường hợp chó tự tử liên tục ở cầu Overtoun là do sự kích thích của chồn Vizon. Xung quanh cầu Overtoun có rất nhiều chồn Vizon sinh sống, loài vật này tỏa ra một mùi hương làm chó rất phấn khích. Chính vì thế, không ít những con chó đã nhảy qua lan can vì cái mũi quá thính của mình.

Ngoài ra, không ít các loài có tập tính tự gây thương tích cho mình khi bị con người lạm dụng. Tập tính này là do chúng bị các tác nhân tiêu cực như căng thẳng, cô lập, sợ hãi, bệnh tật, suy dinh dưỡng và chán nản tác động trong một thời gian dài.

Chim trong sở thú khi bị bỏ đói có thể tự tỉa lông của mình đến chết. Động vật linh trưởng khi bị đánh đập có thể cắn vào động mạch để tự sát, hay rõ nhất là việc gấu trong các trang trại nuôi lấy mật tự sát.

Lý do là bởi gấu bị nhốt trong các lồng sắt chật hẹp, không có chỗ để đi lại, trên bụng chúng đều bị chọc thủng một lỗ để lấy mật nên đôi khi, vết thương chưa kịp khép miệng này khiến gấu bị nhiễm nhiều thứ bệnh, kể cả u ác tính, ung thư và viêm màng bụng. Do đó, nhiều trang trại gấu ở Trung Quốc và Việt Nam hay xảy ra hiện tượng gấu nhịn ăn tới chết.

Đối với một số loài động vật, như loài mối, loài bọ cạp…, một số nhà sinh vật học cho rằng, bản thân chúng sinh ra đã mang trong mình “gene tự sát”. Việc cùng tìm đến cái chết trong một số hoàn cảnh nào đó giống như một hành động theo bản năng di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với sự chọn lọc tự nhiên, sao cho có lợi nhất cho nòi giống.

Bên cạnh đó, một số nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng, việc tự sát hàng loạt của động vật liên quan tới khả năng dự đoán trước thiên tai của chúng. Những con vật tự thấy mình không thích nghi sẽ tự sát để các con khác được tồn tại, giúp cho giống nòi có thể vượt qua các hiểm họa đáng sợ.

Tuy nhiên, cơ chế nào dẫn đến hành động tự sát tập thể của những loài vật này và hành động đó thực sự “có ý thức” hay không thì cho đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.

 

Theo PLXH