Đột phá trong sản xuất máu nhân tạo quy mô lớn

Đột phá trong sản xuất máu nhân tạo quy mô lớn

Lần đầu tiên tại Anh, các nhà khoa học đã phát triển thành công tế bào hồng cầu từ phôi cấy ghép nhân tạo, một bước đột phá hứa hẹn có thể sản xuất máu nhân tạo trên quy mô lớn.

Đột phá trong sản xuất máu nhân tạo quy mô lớn

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thành công nói trên là kết quả của một dự án trị giá 3 triệu bảng Anh, được Wellcome Trust, một tổ chức tài trợ nghiên cứu y tế tư nhân lớn nhất của Anh, tài trợ nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn máu cung cấp cho các bệnh viện.

Các nhà khoa học đã sử dụng hơn 100 mẫu phôi lấy từ các bệnh viện phụ sản, chia thành nhiều dòng khác nhau để tổng hợp tế bào hồng cầu. Một trong số các dòng này, có tên là RC-7, đã cho kết quả biến phôi thành tế bào máu gốc và tiếp tục chuyển thành tế bào hồng cầu chứa haemoglobin – huyết sắc tố có chức năng chuyên chở oxy trong máu.

Từ các tế bào hồng cầu này, các nhà khoa học sẽ phát triển thành nhóm máu O, một nhóm máu có thể truyền cho mọi bệnh nhân mà không gây phản ứng đào thải, nhưng rất hiếm, bởi chỉ xuất hiện ở khoảng 7% dân số thế giới.

Các chuyên gia nhận định dự án chế tạo máu nhân tạo có thể hứa hẹn một cuộc cách mạng cho ngành y tế, bởi nó mang lại một nguồn cung máu ổn định, chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn máu hiến tặng tình nguyện.

Máu nhân tạo còn đảm bảo tính “sạch sẽ” – nghĩa là không bị ảnh hưởng bởi các loại mầm bệnh của người hiến tặng.

Một trong những yêu cầu chính của máu nhân tạo là nó phải rẻ hơn máu hiến tặng. Theo tính toán, một lít máu hiến tặng, nếu tính cả chi phí xét nghiệm và các chi phí khác, có thể mất tới 1.000 bảng để có thể truyền cho bệnh nhân.

Nếu thành công, dự án nói trên có thể sản xuất hơn 1 triệu lít máu mỗi năm. Tuy nhiên, các mẫu máu nhân tạo còn phải được sự phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền trước khi đưa vào thử nghiệm ở người.

Quá trình này dự kiến sẽ mất khoảng năm năm.

 

Theo VietnamPlus