Đột quỵ do nắng nóng: Hiện tượng nguy hiểm cần đề phòng khi nhiệt độ cao

0
102

Thời tiết nắng nóng lên đến 39-40 độ C trong những ngày qua khiến nhiều người từ trẻ em đến người già đều mệt mỏi và dễ mắc bệnh đột quỵ do nắng nóng. Nếu như trẻ em nhập viện vì chứng bệnh hô hấp, viêm phổi, cảm cúm, sốt thì người già hoặc người lớn tuổi có thể mắc đột quỵ do nắng nóng, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… do mức nhiệt độ môi trường cao, điều này càng nguy hiểm hơn với những người có tiền sử bị tim mạch, động mạch vành, mỡ máu hoặc cao huyết áp.

Bác Quốc Phong (Quận 11, Tp.HCM) bị cao huyết áp đã 5 năm nay. Mặc dù, duy trì lối sống khoa học, ngủ đúng giờ, rèn luyện thể dục thể thao nhưng bác Phong vẫn phải uống thuốc đều đặn hàng ngày và đi khám huyết áp mỗi tháng/lần. Thế nhưng, với đợt nắng nóng lần này cũng khiến bác mệt mỏi. Theo lời bác Phong, do trời nắng từ sáng sớm nên khoảng 8h sáng bác cảm thấy tim đập nhanh, chân tay bủn rủn, thở hơi khó. Khi tim đập nhanh như vậy gần như làm cho bác Phong lả đi, đuối sức và vô cùng mệt mỏi.

      

Bác Phong cho biết: “Mỗi khi trời nóng quá hoặc lạnh quá, những người có bệnh về huyết áp như tôi thấy rất mệt. Tim đập nhanh làm cho cảm giác mệt mỏi càng tăng lên. Có những khi đo huyết áp 150mm Hg – 160mm Hg cao hơn hẳn so với những hôm trời mệt. Những lúc mà đi giữa nắng về, cảm giác lả đi càng tăng lên, thở hổn hển, mồ hôi túa ra”.

Còn chị Phương Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) khá vất vả khi vừa trông con nhỏ lại chạy bàn cho quán ăn của gia đình. Thời tiết nắng 40 độ C nhưng chị vẫn nhận đơn hàng đi ship cho khách. Tiền thu nhập không được bao nhiêu nhưng mỗi lần đi dưới trời nắng gay gắt như vậy, chị thấy gần như lả đi.

Thậm chí, mới đây, chị Phương Anh đi gần 1 tiếng liên tục để ship 4 đơn hàng cho khách trong khi nhiệt độ 38 độ C đã khiến cho cơ thể chị bị mất nước và người gần như ngất xỉu.

“Lúc đó, tôi thấy mặt mũi tối sầm lại, đau đầu, mặt đỏ, nóng bừng bừng, mồ hôi túa ra như tắm. Sau đó vẫn cố gắng đi nên biểu hiện nôn mửa, rồi người lạnh toát”, chị Phương Anh nói.

Đề phòng đột quỵ do nắng nóng bằng cách nào?

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Anh (Chuyên khoa tim mạch) cho biết, những ngày nắng nóng nhiệt độ cao lên đến 39 độ C – 40 độ C rất dễ xảy ra đột quỵ do nắng nóng. Nguyên nhân của đột quỵ do nắng nóng là khi cơ thể tiếp xúc quá lâu ngoài môi trường nắng nóng hoặc trong môi trường làm việc có mức nhiệt cao như các lò nung đồ sứ, thủy tinh. Thân nhiệt ở mức cao, kèm theo triệu chứng bủn rủn, mệt mỏi, co giật, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể hôn mê và nguy hiểm tính mạng.

Đối tượng bị đột quỵ do nắng nóng là mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ cao hơn là người già, trẻ em, đặc biệt là những người có tiền sử tim mạch, huyết áp, bệnh về hô hấp. Ngoài ra, những người phải làm việc ngoài trời nắng nóng vào những ngày có nhiệt độ cao, uống ít nước, thiếu bảo hộ lao động cẩn thận, không có thời gian nghỉ ngơi mà làm việc liên tục nhiều tiếng đồng hồ dưới trời nắng.

Biểu hiện của đột quỵ do nắng nóng là cơ thể thấy mệt mỏi, mồ hôi vã ra, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt. Sau đó nếu không được cấp cứu kịp thời, nhiệt độ càng tăng cao có thể biểu hiện co giật, mặt đỏ, đỏ toàn cơ thể, nôn ọe, nhịp thở nhanh và nông. 

Khi gặp người có biểu hiện đột quỵ do nắng nóng phải nhanh chóng đưa nạn nhân vào trong chỗ mát. Cởi bớt cúc áo, hoặc quần áo trên cơ thể, hạ nhiêt cơ thể bằng cách phun nước hoặc chườm nước đá lên cơ thể, đắp khăn mát. Sau khi sơ cứu xong, nhiệt độ hạ xuống cần đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán, thực hiện hồi sức cấp cứu, truyền dịch giải độc.

Vào mùa hè, không nên ra ngoài trời khi nắng nóng cao điểm, đặc biệt từ 10h sáng 4h chiều. Làm việc dưới trời nắng phải uống nước liên tục, đội mũ, nón, áo bảo hộ đầy đủ. Cứ khoảng 1-2 tiếng lại vào bóng râm nghỉ ngơi 1 lần để hạ nhiệt cơ thể.

Diệu Quỳnh
(Theo Congluan.vn)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.