Bánh mỳ đóng một vai trò rất quan trọng, tạo nên sự phong phú và đặc biệt của nền ẩm thực nước này.
Ở Đức, người ta ước tính có hơn 600 loại bánh mỳ khác nhau; trên 1,200 loại bột mì làm bánh được sản xuất trong khoảng 17,000 lò nướng và 10,000 cửa hiệu bánh.
Cho đến nay, bánh mỳ đã vượt qua con số 10,000 tuổi. Khi con người bắt đầu biết thu hoạch các loại hạt để làm lương thực, họ nghiền nhuyễn các hạt này ra rồi trộn với nước để tạo thành cháo. Sau này, loại cháo này được nướng trên các tảng đá nóng hoặc nướng trong tro để làm thành những chiếc bánh mỳ dẹt.
Có hai phát hiện đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử nướng bánh mỳ là: nướng bánh trong lò kín và ủ bột bánh trong nhiều ngày để bột nở ra. Chính nhờ 2 phát hiện này, bánh mỳ mới có được độ mềm và xốp như hiện nay.
Người Đức ăn bánh mỳ vào tất cả các buổi trong ngày. Vào buổi sáng, bánh mỳ được ăn với mứt, bơ, xúc xích, phô mai và một vài loại rau củ. Bữa trưa là bữa ăn quan trọng nhất đối với người Đức, trong bữa ăn này, họ ăn nhiều thức ăn nhất. Do đó, bữa tối trong truyền thống của người Đức là một bữa ăn nhẹ, có cấu trúc tương đối giống với bữa sáng. Bánh mỳ đã đi sâu vào văn hóa ẩm thực của nước này, trong tiếng Đức, “Brot” có nghĩa là bánh mỳ, và người Đức gọi bữa tối là “Abendbrot” (nghĩa gốc là bánh mỳ buổi tối) và những thức ăn vặt là “Brotzeit”.
Ở Đức có 3 loại bánh mỳ chính: bánh mỳ đen, bánh mỳ trắng và bánh mỳ xám. Ở mỗi vùng miền của nước Đức, người ta lại ăn các loại bánh mỳ khác nhau và những thói quen ăn bánh mỳ cũng khác nhau. Những người ở miền Bắc nước Đức hay ăn các loại bánh mỳ đen, được trộn với nhiều loại hạt. Có một tiết lộ rằng, một trong số những nỗi khổ lớn nhất của người Đức khi sinh sống ở nước ngoài đó là việc họ không thể tìm được loại bánh mỳ ưa thích của mình trong các cửa hàng bán bánh.
Loại hạt được sử dụng nhiều nhất trong bánh mỳ Đức là hạt lúa mạch. Ngoài ra, bánh mỳ nướng từ bột trộn với các loại nguyên liệu khác như: hạt hướng dương, hạt yến mạch, hạt mè, hành tây, phô mai, thịt xông khói, rau thơm… cũng rất được ưa chuộng ở nước này.
Không chỉ là một loại thực phẩm thiết yếu trong cuộc sống thường ngày, người Đức còn đem bánh mỳ vào trong những lễ hội lớn như lễ hội bia Oktoberfest ở Munich, lễ hội Karneval… Cùng với những ly bia có dung tích lên đến 1 lít, bánh Brezel và bánh mỳ tròn Brötchen là những loại bánh mỳ phổ biến trong các ngày lễ này.
Theo một số câu chuyện kể lại, bánh Brezel được nướng bởi các tu sĩ như một phần quà cho trẻ em khi chúng thuộc những lời cầu nguyện. Bánh Brezel có hình nút vòng tượng trưng cho hai tay chắp trước ngực. Một câu chuyện khác kể rằng hình dáng của bánh Brezel có nguồn gốc từ bánh hình nhẫn của người Roman.
Ở các vùng khác nhau, kích thước của nút vòng trên bánh cũng có sự thay đổi. Đến ngày nay, những chiếc bánh Brezel vẫn luôn được làm bằng tay, và người thợ làm bánh sẵn sàng bỏ ra nhiều năm trời để hoàn thiện kỹ thuật tạo hình bánh Brezel của mình. Việc tạo hình cho chiếc bánh này không khó, nhưng để làm đúng và chiếc bánh có một hình dạng đẹp, người thợ cần phải luyện tập rất nhiều.
Những chiếc bánh mỳ Brötchen tròn nhỏ xinh cũng là thức ăn ưa thích trong các lễ hội ở nước Đức. Những chiếc bánh này có nguyên liệu khá giống với bánh mỳ thường, nhưng có kích thước nhỏ hơn, vừa vặn cho một người ăn. Ở mỗi vùng khác nhau ở nước Đức, bánh Brötchen lại mang một tên gọi khác nhau như: Rundstück, Semmel, Schrippe, Weck…
Có thể nói, bánh mỳ là món ăn mang cả linh hồn ẩm thực Đức, mỗi loại bánh không chỉ chứa đựng hương vị đơn thuần, mà nó còn mang hình ảnh của một đất nước có nền ẩm thực rất đáng tự hào. Người Đức thưởng thức bánh mỳ cũng là thưởng thức một phần văn hóa dân tộc, giản dị, mộc mạc nhưng vô cùng phong phú và đáng nhớ.