Với cái giá tour 200.000 USD/người, mỗi chuyến tàu SpaceShipTwo (SS2) sẽ đưa sáu du khách lên độ cao 130-140km để quan sát Trái đất trong suốt 2,5 giờ. Hoặc ngược lại, người ta sẽ mua tour để xuống đáy biển ngắm cảnh thủy cung. Viễn cảnh những tour du lịch như thế không còn xa…
200.000 USD, một chuyến đi Virgin Galactic là một trong vài công ty trong cuộc chạy đua bán tour cho bất cứ ai muốn du lịch không gian. Đề án của công ty dựa trên những chuyến bay thành công trong năm 2004 của SpaceShipOne, một trong những tàu không gian đầu tiên trên thế giới do tư nhân đầu tư. |
Với nhiều du khách lắm tiền nhiều của, những chuyến đi nghỉ mát đến các hòn đảo riêng biệt, những cuộc mạo hiểm trên thảo nguyên châu Phi mênh mông hay vùng địa cực băng giá cũng đã quá quen thuộc, thậm chí nhàm chán. Họ sẽ có cơ hội nếm trải những tour du lịch hoàn toàn mới, tưởng chừng như không tưởng nhưng sắp thành hiện thực: bay lên không gian bao la hoặc xuống tận vùng biển sâu.
Được nói tới nhiều nhất và cũng ồn ào nhất về du lịch không gian là Công ty Virgin Galactic của hai người: Burt Rutan – kỹ sư hàng không người Mỹ, và doanh nhân Richard Branson – người sáng lập Công ty Virgin đầy tham vọng, với viễn cảnh về tương lai theo lời Branson:
“Hầu hết con cháu chúng ta sẽ có khả năng bay vào không gian”.
Trong tương lai gần, Burt Rutan và Richard Branson nhắm tới mục tiêu phóng những con tàu SS2 mà phi hành đoàn gồm tám người: hai phi công và sáu hành khách vào không gian vũ trụ. Chuyến bay sẽ kéo dài trong hai giờ, cho du khách mãn nhãn quan sát Trái đất và nếm trải tình trạng vô trọng lực.
Tàu SS2 do Burt Rutan thiết kế có kích thước phòng lái tương tự một chiếc phản lực thương mại (cao 1,9m, rộng 2,2m). Khi bay tới độ cao hơn 15km, một tên lửa sẽ được phát động để con tàu đạt tới vận tốc khoảng 5.600km/g, đưa lên độ cao 130km và vượt ra ngoài khí quyển. Các hành khách sẽ có khoảng bốn phút trải qua tình trạng không trọng lực trước khi con tàu giảm độ cao trở lại Trái đất.
Ông Richard Branson (Ảnh: TTO)
200.000 USD là cái giá quá mềm so với khoản tiền khổng lồ 20 triệu USD mà các doanh nhân tỉ phú từng phải bỏ ra trước đây để được bay vào vũ trụ với Công ty Space Adventures. Công ty này kết hợp với Cơ quan Không gian Nga để đưa du khách lên tham quan trạm không gian quốc tế bằng tàu vũ trụ Soyuz TMA và du khách sẽ sống ở Trạm không gian quốc tế trong 10 ngày. Dù giá cao như vậy nhưng Space Adventures đã nhận được hơn 100 đơn đặt hàng của những người giàu có muốn bay vào khoảng không bao la. Du khách gần đây nhất của Space Adventures là nữ doanh nhân Mỹ gốc Iran Anousheh Ansari.
Sơ đồ một chuyến du lịch vũ trụ (Ảnh: TTO) |
Theo người phát ngôn của Virgin Galactic, hiện đã có hơn 150 khách đăng ký bay với hãng này và khoảng 30.000 người nữa thật sự mong muốn sẽ được du hành vào vũ trụ. Nhưng Virgin không phải là kẻ đơn độc khai thác tuyến du lịch ngoài Trái đất.
Mô hình du lịch kiểu Virgin Galactic có nhiều đối thủ cạnh tranh như Jeff Berzos, nhà sáng lập mạng Amazon.com, vừa thử nghiệm con tàu không gian cá nhân tại miền tây Texas; hay John Carmack, đồng tác giả của trò chơi trên mạng Doom và Quake, cũng đang thử nghiệm tên lửa cho tàu vũ trụ ở gần Dallas… Và bang New Mexico muốn trở thành địa điểm tương tự như Cape Canavaral để đưa du khách vào vũ trụ.
Từ khi Alan Shepard trở thành người Mỹ đầu tiên bay vào không gian năm 1961, NASA đã kiểm soát toàn bộ các chuyến bay vũ trụ của Mỹ và biến vũ trụ thành một nơi linh thiêng, chỉ có những người được chính quyền Mỹ tuyển chọn gắt gao mới được vinh dự bay ra ngoài tầng khí quyển.
Từ đó tới nay, có không tới 500 người được NASA cho phép bay, nhưng nay thì mọi chuyện đã khác và sẽ khác hơn nhiều nữa: sir Richard Branson có kế hoạch sẽ đưa hơn 1.000 người vào không gian chỉ trong năm đầu tiên hoạt động của Virgin Galactic.
Và cái giá 200.000 USD cho mỗi du khách sẽ giảm dần để vào năm thứ hai của chương trình đầy tham vọng này, nếu muốn du lịch ngoài không gian người ta chỉ cần bỏ ra 20.000 USD. Đó là cách “dân chủ hóa không gian” theo lời phi công trưởng Alex Tai của Virgin Galactic.
BÍCH GIANG
Các sân bay vũ trụ: Sẵn sàng từ năm 2008! * Bắc Mỹ: Sân bay quốc gia Washington đang mở rộng để trở thành sân bay vũ trụ, dự kiến đón khách từ năm 2012. Sân bay nổi của Công ty Sea Launch, trên đảo Kiribati, Thái Bình Dương, cũng có chương trình du lịch không gian. Trung tâm phóng trên đảo Kodiak (Alaska, Hoa Kỳ), Trung tâm nghiên cứu Poker Flat (Alaska), căn cứ không quân Vanderberg, sân bay vũ trụ Tây Nam, sân bay vũ trụ Blue Origin, sân bay vũ trụ Trung – Đại Tây Dương, căn cứ không gian Florida và sân bay vũ trụ Oklahoma đang hoạt động ráo riết để đón khách.
* Nam Mỹ: Trung tâm không gian Kourou của Pháp tại Guyane, và Trung tâm phóng tên lửa Alcantara của Brazil. * Châu Âu: Căn cứ không gian Saragosse tại Tây Ban Nha, căn cứ Andoya ở Na Uy, căn cứ Esrange (Thụy Điển) sẵn sàng hoạt động từ năm 2013. Các sân bay vũ trụ của Nga: Plesetsk, Kapustin Yar, đặc biệt là Baikonur (Kazakhstan) đã từng đưa những người khách du lịch đầu tiên vào không gian với giá… cứa cổ (20 triệu USD)! * Sân bay vũ trụ Ras al-Khaimah (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) dự kiến mở cửa năm 2012 cho những chuyến bay trên quĩ đạo chỉ kéo dài khoảng 90 phút. Ưu tiên của căn cứ này là huấn luyện bay cho Tập đoàn Space Adventures. Châu Phi cũng có sân bay vũ trụ San Marco tại Kenya. Sân bay vũ trụ cũng mọc lên như nấm. Căn cứ phóng tên lửa Sonmiani của Pakistan, Trung tâm không gian Satish Dhavan của Ấn Độ, Trung tâm không gian Jiuquan, Trung tâm không gian Xichang tại Tân Cương của Trung Quốc, Trung tâm phóng Wenchang tại đảo Hải Nam. CHDCND Triều Tiên có Trung tâm Musudan, Hàn Quốc có Trung tâm Goheung, Nhật Bản có căn cứ không gian Uchinoura và Tanegashima. * Châu Á: Đặc biệt đảo quốc Singapore cũng có sân bay vũ trụ rất lớn, bắt đầu hoạt động từ năm 2009. Đây sẽ là trung tâm du lịch không gian cho cả vùng Đông Nam Á và là chi nhánh của Tập đoàn Space Adventures. Úc cũng có sân bay vũ trụ nằm trên đảo Christmas. Còn Việt Nam? Sân bay vũ trụ của Singapore (Ảnh: TTO) Đ.C.T. |
Theo Tuổi trẻ