Cuối tháng trước, Virgin Galactic đã khánh thành đường băng của phi trường không gian ở New Mexico, Mỹ. Đây là công ty con chuyên khai thác du lịch không gian thuộc Tập đoàn Virgin của tỉ phú Anh Richard Branson. Đến nay đã có 380 khách hàng gồm các vị chủ tịch, giám đốc giàu có, các nhà khoa học, những nghệ sĩ nổi tiếng đặt vé với giá khoảng 300.000 USD/người, cao gấp rưỡi giá thông thường, để được bay ngay trong năm khai thác đầu tiên của Virgin Galactic. Công ty này hiện nhận đăng ký trực tuyến qua website Virgingalactic.com và dự kiến chuyến bay đầu tiên sẽ khởi hành trong 2 năm tới.
Hơn 40 năm sau khi Neil Armstrong thực hiện “bước tiến vĩ đại của nhân loại” trên Mặt trăng, du lịch không gian không còn là một khát vọng xa vời nữa. Cùng với Virgin Galactic, các công ty tư nhân đang ngày càng tỏ ra quan tâm đến dịch vụ béo bở này.
Phi thuyền sẽ phổ biến như máy bay
Nhiều chuyên gia dự đoán lạc quan rằng trong tương lai không xa, phi thuyền sẽ được sử dụng phổ biến như máy bay hiện nay, theo The Independent. Tờ báo dẫn lời giáo sư Richard Croxther, cố vấn kỹ thuật của Cơ quan Không gian Anh nhận định: “Thời gian đầu giá sẽ rất cao nhưng sự phát triển của ngành kỹ thuật sẽ mở cửa không gian cho tất cả mọi người”. Phòng nghiên cứu của Công ty tư vấn Futron Corporation ước tính thị trường du lịch không gian sẽ đạt 15.000 khách vào năm 2021 với tổng doanh thu khoảng 800 triệu euro.
Phi thuyền VSS Enterprise lớp SpaceShipTwo – Ảnh: Virgin Galactic
Cho đến nay, có ít nhất 500 người từng bay vào không gian trên các phi thuyền do chính phủ Mỹ, Nga, Trung Quốc đầu tư. Sau thời chiến tranh lạnh, Mỹ và Nga không còn lý do gì để bỏ hàng tỉ USD vào các chương trình không gian. Hồi tháng 2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hủy dự án bay lên Mặt trăng của NASA vì quá tốn kém và không mang tính đột phá. Trong khi các cường quốc phải so đo tính toán thì các tập đoàn thương mại lại đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu không gian. Trong số đó, ngoài Virgin Galactic còn có Blue Origin của Jeff Bezos, người sáng lập website bán hàng trực tuyến Amazon.com.
Virgin Galactic dự tính sẽ đưa hơn 500 du khách vào không gian chỉ riêng trong năm đầu tiên hoạt động. Phi trường không gian ở New Mexico được đầu tư 225 triệu USD, khi hoàn tất sẽ có một khu phức hợp bao gồm trung tâm huấn luyện, cửa hàng, nhà hàng, theo Le Point. Còn Blue Origin đang thử nghiệm New Shepard, một loại phi thuyền – máy bay tên lửa đẩy để “thường xuyên đưa thật nhiều người vào không gian với giá cạnh tranh”.
Thật ra, cái giá 200.000 USD của Virgin Galactic hiện nay là rất rẻ nếu so với mức 20 – 30 triệu USD của những chuyến du lịch liên kết cùng các cơ quan không gian Nga, Mỹ kể từ năm 2001. Theo Chủ tịch Will Whitethorn của công ty, giá cả thậm chí sẽ giảm xuống dưới mức 103.000 USD trong vòng 5, 6 năm tới.
Chi phí cho một chuyến bay của các công ty tư nhân được tiết kiệm tối đa vì các loại phi thuyền du lịch nhẹ hơn nhiều so với phi thuyền của NASA và sử dụng được nhiều lần. Các phi thuyền lớp SpaceShipTwo của Virgin Galactic có 6 chỗ ngồi, được tàu mẹ đưa lên độ cao 16 km, sau đó sẽ được phóng với vận tốc 4.000 km/giờ rồi dừng ở khoảng cách 100 km so với trái đất. Đây là khu vực ranh giới giữa bầu khí quyển và không gian, thấp hơn so với quỹ đạo các chuyến bay chính thức của những cơ quan không gian quốc gia. Các du khách sẽ có khoảng 5 phút để chiêm ngưỡng không gian, trước khi quay trở về. Tiền nào của đó, các tỉ phú chịu bỏ 20 triệu USD để “đi chơi” với NASA sẽ trải qua nhiều tháng trời huấn luyện cho một chuyến đi kéo dài khoảng 10 ngày và họ sẽ được đặt chân lên trạm không gian ISS.
Tuy thời gian và chất lượng chuyến đi không thể sánh bằng nhưng với chi phí thấp hơn hẳn và thời gian huấn luyện cũng không dài (khoảng 3 ngày), du lịch không gian đại trà của các công ty tư nhân đang lấn át dần dịch vụ của các cơ quan không gian quốc gia. The Independent dẫn lời nhà kinh doanh bất động sản Nick Candy, người đã mua hẳn 3 suất du lịch không gian của Virgin Galactic nói: “Khác với những phi hành gia chuyên nghiệp, chúng tôi không cần trải qua nửa năm luyện tập mà vẫn được chơi vơi trong tình trạng không trọng lực và chiêm ngưỡng toàn bộ trái đất. Tôi từng trải qua nhiều điều khó tin và hy vọng sẽ được thấy lại cảm giác ấy khi du lịch không gian”.
Nỗi lo về môi trường
Nếu trong tương lai, hàng chục ngàn triệu phú có thể mua vé “giá rẻ” để bay vào không gian thì đây sẽ là một mối đe dọa cho môi trường trái đất. Theo tờ Geophysical research letters, với cường độ khai thác quá cao, ngành du lịch không gian sẽ trở thành nhân tố đáng kể gây ra biến đổi khí hậu. Đây là kết quả nghiên cứu của 3 nhà khoa học Martin Ross (Aerospace Corporation), Michael Mills (Phòng nghiên cứu Hệ thống địa cầu ở Boulder, Mỹ) và Darin Toohey (Đại học Colorado, Mỹ). Khoảng 1.000 chuyến bay vào không gian theo mục tiêu của các công ty sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường tương đương toàn bộ máy bay hiện nay. Nguyên nhân chính là khói bụi do những phi thuyền thải các hạt nhôm li ti vào tầng bình lưu, gây nên hiện tượng nhà kính. Ở độ cao đó, tình trạng ô nhiễm sẽ lưu lại ít nhất 10 năm.
|
Theo Thanh niên