Du khách lên Thần Đinh để cúng bái, cầu mong, lấy nước thiêng về thờ phụng bởi núi này không chỉ đẹp mà còn nổi tiếng linh thiêng.
Từ Đồng Hới, đi hơn 25 km trên đường Hồ Chí Minh, đến địa phận xã An Ninh có một ngã ba rẽ lên phía tây, đi thêm chừng 8 km đường nhiều dốc cao quanh co mới đến chân núi Thần Đinh (Quảng Bình). Để lên đến đỉnh – nơi có di tích chùa cổ, du khách phải leo gần 1.300 bậc đá.
Toàn đỉnh núi Thần Đinh là những dãy đá vôi thấp màu xám đen, lô nhô như những dãy núi nhỏ mọc lên từ một đỉnh núi lớn. Đứng trên núi nhìn xuống phía đông là vùng đồng bằng rộng lớn có dòng sông Đại Giang – đầu nguồn sông Nhật Lệ chảy uốn lượn nên thơ dưới cầu Long Đại. Các dòng sông Rào Trù, Rào Đá ở quanh Thần Đinh cũng lúc ẩn, lúc hiện quanh co dưới chân núi, sau những rặng cây xanh.
|
Trên đỉnh Thần Đinh có một khu đất bằng phẳng, rộng hơn 400 m2, là nơi cách đây hơn ba trăm năm người xưa đã chọn để xây cất khu chùa Non. Di tích còn lại là mấy ngôi miếu nhỏ còn nguyên vẹn, những bức tường, bệ thờ bám đầy rêu phong nằm dưới tán cây cổ thụ.
Cảnh vật trên núi Thần Đinh bây giờ trông không khác mấy so với những gì mà sách Đại Nam Nhất Thống Chí từng mô tả: Sườn núi có động sâu thẳm rộng rãi, cửa động hẹp phải nghiêng mình mà vào một hồi mới rộng. Trong động có hai tầng.
Đá xếp hệt như bàn ghế, có viên giống tượng phật, lại có thạch nhũ trùng điệp rủ xuống. Thạch nhũ trong động có chỗ như cái tàn vàng, có chỗ như hình voi.
|
Ngoài động có giếng đá nước ngọt, không bao giờ cạn. Giữa trưa hè nắng nóng giếng Tiên trên núi vẫn đầy nước, trong vắt. Giếng nằm ngay giữa bốn bề là đá khô khốc, vậy mà không biết nước có từ đâu để giếng luôn đầy. Người dân địa phương cho biết chưa bao giờ thấy nước trong giếng Tiên bị cạn, cho dù là vào những năm nắng nóng khô hạn nhất.
Bây giờ nhiều người tứ xứ đến ngoạn cảnh Thần Đinh, họ không quên mang theo chai nước để lấy ít nước từ giếng Tiên về dùng, coi như nguồn nước tinh túy từ chốn thần tiên với bao điều mong ước.
Trên núi còn có hai ngôi mộ cổ được đắp đá rất đẹp. Ai đến đây cũng khấn vái thắp hương. Cách đây không lâu, trên núi còn giữ lại khá nhiều di tích miếu mộ nhưng do không được bảo vệ, các mộ cổ đã bị kẻ gian quật phá.
|
Khách có thể leo hết 1.300 bậc thang đá, nhưng cũng có một cung đường khác để đi từ sau lưng núi. Cung đường mới nên hơi khó khăn nhưng rất thú vị. Không có tiếng ồn ào của con người, chỉ có tiếng gió rít, chim kêu. Những hốc đá tuyệt đẹp hiện ra làm mê hoặc lòng người. Có những cột đá mọc lên cao như một mạch nước trào dâng. Đá tạo hình, đá tạo dáng đủ kiểu. Có những đoạn đá dựng đứng, du khách muốn leo lên chỉ còn cách leo những cây cổ thụ to đến bốn năm người ôm.
Leo tới ngọn thì chuyền qua lại bờ đá. Cảm giác rất mạo hiểm và sảng khoái khi ngồi vắt vẻo ở độ cao mấy chục mét phóng tầm mắt ra xa hứng những cơn gió mang hơi sương se lạnh.
|
Tham quan những hang động nhỏ hoang sơ chưa có dấu chân người, chỉ có vết đi của con thú nào đó trú ngụ. Khi có ai gõ vào đá hoặc có những cơn gió mạnh đi qua là hang vang lên âm thanh như trống đánh, chuông gõ. Xung quanh động là các dãy đá vôi lởm chởm xếp chồng nhau trông rất ngoạn mục.