Hội An đón những trái tim bận rộn với vẻ lãng đãng, như chìm trong giấc ngủ trưa. Cùng chúng tôi đến với phố cổ Hội An những ngày đầy nắng này nhé!
Nhân dịp nghỉ lễ dài ngày, nhóm phóng viên tranh thủ đáp chuyến bay xuống thành phố Đà Nẵng để được tận hưởng màu trời xanh ngắt miền Trung. Đáp xuống Đà thành không lâu, nhóm đã nhanh chóng tìm đường xuống Hội An, vì muốn trốn xa khỏi nơi thị thành, về với phố thị cổ xưa.
Hội An với cái vẻ mơ màng, ngái ngủ như mọi khi. Không phải lần đầu đến phố Hội nhưng tôi vẫn chưa bao giờ hết yêu cái vẻ dịu dàng, duyên dáng hiếm nơi nào có ấy.
Đi thuyền trên sông Thu Bồn buổi hoàng hôn.
Hội An nhỏ xíu như lòng bàn tay con gái, có khi chỉ đi một chiều là hết khu phố cổ, ấy vậy mà ai đã tới một lần thì nhớ đến nao lòng, hẹn ngày gặp lại. Chẳng thế mà người tới kẻ lui chốn thương cảng tấp nập, phần đông là những khách nước ngoài trên chiếc xe đạp thong dong phố hè.
Hoàng hôn óng ả bên bờ Thu Bồn.
Mua một vé vào tham quan khu phố cổ là bạn có thể vào thưởng lãm ba điểm du lịch, trong đó có chùa Cầu và hai điểm tự chọn trong số 21 ngôi nhà cổ, hội quán, bảo tàng rải rác.
Điểm dừng chân đầu tiên là hội quán Quảng Đông. Hội quán được Hoa kiều Quảng Đông xây dựng năm 1885, là sự kết hợp hài hòa giữa các chất liệu gỗ, đá, họa tiết cổ tuyệt đẹp như hoành phi, lư, đôn sứ men ngọc… Phía sau hội quán là khu vườn vắng vẻ, ít người vào hơn với tiểu cảnh vườn, hồ nước trong lành mát rượi, hàng cây xanh đu đưa trong cái gió báo hiệu cơn giông sắp tới. Vốn là một thương cảng xưa, phố Hội là nơi tập trung nhiều thương gia Trung Quốc, Nhật Bản, vì vậy không chỉ có một hội quán này mà còn có hội quán Phúc Kiến, Triều Châu…
Cổng hội quán Quảng Đông.
Tiểu cảnh vườn có cây xanh, cầu đỏ bắt qua hồ nước nhỏ.
Những ngôi nhà cổ mát rượi cũng khiến chúng tôi như lạc bước vào quá khứ. Nhà cổ Đức An vốn xưa kia là tiệm bán sách và bán thuốc, vẫn giữ nguyên kiến trúc gỗ lim đen, giữa nhà có sân trời, để trồng cây, chơi chim, uống trà thưởng hoa. Không gian yên tĩnh như từ 200 năm về trước, khi ngôi nhà được xây dựng.
Giàn hoa giấy tím hồng nhìn từ nhà cổ Đức An.
Bàn uống nước có bộ tranh tứ bình cổ và nhiều hiện vật từ 200 năm trước.
Điểm dừng chân cuối trong chuỗi hành trình “phải mua vé” là chùa Cầu. Chùa Cầu có kiến trúc trên là nhà, dưới là cầu, còn được gọi là cầu Nhật Bản. Theo truyền thuyết, con thủy quái Mamazu có đầu ở Nhật, đuôi ở Ấn Độ Dương, thân ở Việt Nam, mỗi lần cựa mình sẽ gây động đất, thiên tai. Người Nhật xây cây cầu này với tượng thần Khỉ, thần Chó để trấn yểm quái vật. Tới nay, chùa Cầu đã trở thành biểu tượng của phố Hội.
Lang thang khắp nẻo phố Hội trên chiếc xe đạp con thuê ở khách sạn, chúng tôi còn được vào thăm những điểm đến miễn phí không mất vé như trường Hoa văn ngữ nghĩa, các đền, chùa…
Thú vị nhất là ở phố Hội, vào những giờ cao điểm, người ta cấm xe ô tô, xe máy đi vào khu phố cổ, khiến nơi đây càng thêm yên tĩnh, êm ả. Vừa ngắm đường phố lặng thinh, vừa nhâm nhi bát mỳ Quảng, bánh hoa hồng, tào phớ thì quả là thú hưởng thụ tao nhã không gì bằng, khiến tâm hồn thư thái, nhẹ nhõm, quên đi mọi xôn xao cuộc sống ngoài kia. Có vậy mới hiểu vì sao ai từng ghé phố Hội đều hẹn ngày trở lại, và không chỉ một lần!