Thùng rác sinh học sử dụng giun quế để xử lý rác thanh long của ba sinh viên năm cuối Đào Y Kha, Cao Đăng Khoa, Tôn Thất Phu Trí (ĐH Kiến trúc TP.HCM).
>>> Thùng xử lý rác thanh long của sinh viên kiến trúc
Sau một năm thử nghiệm, sản phẩm của các bạn trẻ đã được đưa vào sử dụng tại huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận.
Đây là dự án đoạt giải nhất cuộc thi Holcim Prize 2013 và được ban tổ chức hỗ trợ 200 triệu đồng để nhóm triển khai thử nghiệm đề tài vào thực tế. Là một trong những mô hình nuôi giun quế, thùng rác sinh học được đánh giá hoàn toàn mới về cả cách thức vận hành lẫn quy mô phục vụ.
Nhóm sinh viên Đào Y Kha, Cao Đăng Khoa, Tôn Thất Phu Trí trong chuyến khảo sát thực tế tại xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận – (Ảnh nhân vật cung cấp)
Trải qua nhiều lần thử nghiệm, nghiên cứu, nhóm đã thực hiện thành công mô hình “giun quế xử lý rác thải hữu cơ” cho thân cây thanh long để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Mô hình này còn giúp giảm chi phí nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân với phân giun được dùng bón cây và xác giun sau khi hết vụ sẽ được bán làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
“Rác thải từ thân thanh long là dạng rác hữu cơ. Một số bà con tìm cách giải quyết rác thanh long bằng cách ủ hoại, chôn lấp nhưng lại tốn công và không thu được gì ngoài việc để cho vườn thanh long sạch sẽ hơn, nên rất ít người làm điều này” – Tôn Thất Phu Trí chia sẻ.
Nhóm sinh viên loay hoay thử nghiệm dùng men vi sinh rồi tro trấu, sử dụng ruồi lính đen, phương pháp chôn lấp… nhưng đều không có hiệu quả. Cuối cùng giun quế được chọn vì vừa dễ làm, vừa phân giải tốt. Ngoài việc giải quyết rác thải thanh long còn có thể tăng thêm thu nhập từ việc kinh doanh giun quế.
Thùng rác sinh học bao gồm hai khay xếp chồng lên nhau và được liên kết cố định bởi hệ thống khung bên ngoài. Bên dưới mỗi khay đều có một lớp lưới kẽm đan vuông để giun dễ dàng di chuyển qua lại giữa hai khay.
Thùng chứa được 0,3m3 rác hữu cơ, tương ứng 165kg rác tươi, có thể giải quyết được khối lượng rác thanh long của 40 cây mỗi năm.
Qua thời gian ứng dụng thử tại năm hộ dân ở huyện Hàm Thuận Bắc, bà con nông dân rất bất ngờ với kết quả đem lại. Chi phí đầu tư ban đầu hợp lý và cách vận hành đơn giản giúp bà con dễ dàng triển khai tại vườn nhà.
Theo Tuổi Trẻ