Nếu bạn nghĩ phòng tắm là nơi ẩn náu của nhiều vi khuẩn nhất, có thể bạn đã sai. Có một nơi còn chứa nhiều vi trùng, vi khuẩn gây bệnh hơn mà bạn không để ý, đó là phòng bếp. Đặc biệt, phòng bếp bao gồm nhiều khu vực nhỏ khác nhau và mỗi khu vực có thể là một ổ vi trùng rất dễ gây bệnh qua đường hô hấp hay ăn uống, ví dụ như tiêu chảy, cúm, rối loạn tiêu hóa… Và dưới đây là 14 khu vực bạn cần chùi rửa ngay nếu muốn bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.
1. Túi xách đi chợ
Những chiếc túi đựng thực phẩm này chứa cả tấn vi trùng nếu bạn dùng chúng nhiều lần mà không giặt sạch. Dù là thịt động vật hay rau củ quả tươi, tốt nhất bạn nên giặt chúng sau mỗi lần sử dụng.
2. Cánh cửa tủ bếp
Chúng ta thường không bao giờ có thói quen làm sạch các cánh cửa tủ vì nghĩ rằng đây là khu vực không chạm tay vào nhiều. Thực tế, vi khuẩn từ bồn rửa bát và bát đĩa ướt có thể lây lan ra toàn bộ cánh cửa tủ bếp. Hơn thế nữa, khi chạm tay vào nắm cửa tủ, bạn cũng tạo cơ hội cho vi khuẩn lây lan rộng hơn sang các bề mặt khác như bát, đĩa sạch và các đồ dùng phòng bếp khác.
3. Nóc tủ bếp
Nếu không lau chùi nóc tủ bếp thường xuyên, lớp bụi bẩn trên tủ có thể chứa vi trùng và vi khuẩn gây bệnh. Chỉ cần bạn hít phải bụi rơi từ nóc tủ xuống, bạn sẽ ủ bệnh và có nguy cơ mắc bệnh ngay sau đó.
4. Giá để dao
Rửa dao, thớt thôi vẫn chưa đủ đảm bảo vệ sinh. Hãy hình dung, vi khuẩn từ cán đao, khe hở ở cán dao có thể theo nước bám vào dao, lây lan xuống mũi dao và đáy giá để dao. Các góc cạnh của giá để dao cũng khó làm sạch và chúng ta thường bỏ qua việc vệ sinh dụng cụ phòng bếp này. Vậy nên hãy vệ sinh giá để dao thật cẩn thận nhé.
5. Dụng cụ mở hộp thực phẩm
Hãy nhớ rửa sạch dụng cụ mở hộp thực phẩm sau mỗi lần dùng bởi vì thực phẩm dính trên lưỡi dao cắt có thể bị phân hủy và sinh ra vi khuẩn. Nếu bạn dùng ngay dụng cụ này cho lần sử dụng tiếp theo, bạn có nguy cơ đưa nguồn bệnh vào thức ăn mới của mình.
6. Nắm cửa
Rất dễ để biết rằng nắm cửa là vị trí tiếp xúc da tay nhiều nhất, nhưng gần như tất cả chúng ta không có thói quen rửa nắm cửa tủ bếp, tủ lò nướng, tủ lạnh và nhiều vật dụng phòng bếp khác. Vi khuẩn từ nắm cửa có thể lây lan qua tay, thức ăn và cuối cùng là tới miệng hoặc qua đường hô hấp.
7. Dao trộn bằng cao su
Bề mặt cao su rất dễ bám nguyên liệu trộn thực phẩm lại. Nếu rửa dụng cụ này không sạch thì nó sẽ trở thành nơi chứa vi khuẩn. Đặc biệt, các nguyên liệu trộn thường nhuyễn, dễ bám chắc vào khe que trộn và chúng ta chỉ rửa dụng cụ này qua loa như rửa bát đĩa có bề mặt trơn nhẵn.
8. Máy xay
Thật khó để làm sạch tất cả các bộ phận của máy xay, bao gồm cả cối xay, nắp cối, thân máy xay, dao cắt… và nhiều bộ phận nhỏ khác. Hơn thế nữa, chúng ta thường chỉ có thói quen rửa cối xay mà bỏ qua các bộ phận khác cũng dính thực phẩm. Nếu bạn có thói quen này, đây có thể là nơi trú ngụ của vi khuẩn trong gian bếp của bạn.
9. Tủ lạnh
Có vô số thực phẩm được cất trữ trong tủ lạnh, bao gồm cả thực phẩm sống và chín. Vi khuẩn từ thực phẩm vẫn có thể sinh sôi và lan rộng khắp tủ lạnh, kể cả ở ngăn đá. Đó là lý do tại sao các chuyên gia sức khỏe khuyên bạn nên vệ sinh tủ lạnh thường xuyên và không để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh. Ngoài ra, cách đặt thực phẩm trong tủ lạnh không đúng cách (ví dụ như để thực phẩm chín lẫn với thực phẩm chín) cũng làm gia tăng sự hoạt động và lây lan của vi khuẩn.
10. Thớt
Chúng ta nên có 2 loại thớt để cắt thực phẩm chín và sống riêng biệt. Tuy nhiên, dù là thớt dành cho thực phẩm chín hay sống, chúng đều chứa nhiều vi khuẩn như nhau. Vì vậy, bạn đừng nên chủ quan khi rửa thớt thái thực phẩm chín cũng như bỏ qua việc rửa mặt sau của thớt.
11. Bông rửa bát
Bông rửa bát của bạn đã dùng được bao lâu rồi? Nếu nó đã được sử dụng quá một tháng, bạn nên nghĩ đến việc mua bông rửa bát mới ngay. Lý do không gì ngoài việc đảm bảo vi khuẩn không “làm tổ” ở miếng bông rửa bát dùng lâu ngày của bạn.
12. Bồn rửa
Mọi thứ đều phải đặt gọn trong bồn rửa để làm sạch bao gồm cả dụng cụ phòng bếp và thực phẩm sống. Vệ sinh bồn rửa không sạch hoặc bỏ qua bước vệ sinh bồn rửa trước và sau khi dùng là lý do chính biến khu vực này thành nơi trú ngụ của vi trùng, vi khuẩn.
13. Thực phẩm tươi sống
Thói quen chạm tay, thậm chí là hít ngửi thực phẩm sống trước khi mua và chế biến vô tình truyền nhiễm vi khuẩn vào tay và đường hô hấp của bạn. Hãy bỏ qua thói quen này ngay nếu muốn bảo vệ sức khỏe của bản thân nhé.
14. Giá để đồ
Gọi là giá để đồ sạch nhưng có thể các vật dụng để đồ sạch của bạn không sạch đâu. Dù có các lỗ nhỏ để thoát nước và làm khô vật dụng phòng bếp tiện lợi, nhưng các khe và kẽ của giá để đồ có thể là nơi bám vi khuẩn, từ đó lan sang đồ dùng của bạn.
Nguyễn Mai – Nguồn: VN
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.