Đừng chọn “trường tốt” để con học… dốt!

0
119
3 lưu ý bố mẹ cần cân nhắc khi chọn trường cho con

Cứ gần kết thúc năm học, các con chuẩn bị được đón mùa hè thảnh thơi sau một năm học tập vất vả thì cũng là lúc nhiều bậc cha mẹ “chạy đua” trong việc chọn trường cho con. Chủ yếu là chọn trường cho con vào lớp 1, lớp 6, lớp 10.  

Thực ra hiện tượng này mới có trong những năm gần đây và ở một số phụ huynh – chủ yếu sống ở các thành phố lớn. Đành rằng các bậc cha mẹ ai cũng mong cho con mình được vào “trường tốt”, đó là mong muốn chính đáng. Nhưng “trường tốt” mà các bậc cha mẹ biết thường lại theo… tin đồn. Nào là trường này có nhiều cô giáo dạy giỏi, có nhiều học sinh đạt giải cao, trường kia tiên tiến xuất sắc, vân vân và vân vân. Thiết nghĩ, phụ huynh ở các vùng miền khác không phải “đau đầu”, không bị stress trong việc chọn trường cho con thật hạnh phúc làm sao!

Trường tốt là thế, trường “đinh” là thế, nhưng có chắc nó hợp với con, và có chắc con cứ học ở những trường đó đều sẽ đạt thành tích xuất sắc? Không! Sự thật là chọn trường cho con, phương án đúng đắn nhất là một ngôi trường phù hợp với khả năng của con, điều kiện của cha mẹ, sự thuận lợi đi lại,… Và dưới đây là một số gợi ý các bậc phụ huynh nên dựa vào để chọn trường cho trẻ:

3 lưu ý bố mẹ cần cân nhắc khi chọn trường cho con

1. Khả năng của con (Năng khiếu nổi trội)

Sự thật là một số “trường tốt” theo tin đồn có học sinh được giải nhất thành phố môn Toán, giải nhì môn Lý,… Ừ cứ cho là đúng! Nhưng trong gần một ngàn học sinh của trường nọ chỉ có vài ba  giải, cứ cho nhiều là vài chục giải đi, liệu con mình có rơi vào top 20/1000 đó không? Hơn nữa, các thầy cô dạy bồi dưỡng học sinh giỏi chú trọng bài toán khó, toán nâng cao, luyện “gà nòi”, con mình có theo được không?

Vì thế các bậc cha mẹ trước khi chọn trường cho con, thiết nghĩ điều quan trọng nhất cần biết “con mình là ai”, con có những tố chất xuất sắc, vượt trội gì?… Sự thật là đã có không ít học sinh giỏi ở các trường bình thường, các em đang rất vui vẻ, tự tin, say mê học tập và luôn ở Top đầu, nhưng sau đó, không hiểu một sự “may mắn” nào đó “bỗng nhiên” các em đó được ngồi vào lớp chuyên toán của trường “đỉnh”. Và chỉ hai tuần sau khi khai giảng năm học mới, các học sinh ấy đã “mất niềm tin” vào bản thân mình. Các em rụt rè, ít nói và tự ti hẳn đi, không dám nói chuyện với ai và bắt đầu nghĩ là mình dốt vì không thể giải được những “bài toán chuyên” mà thầy cô giao như các bạn khác. Và có lẽ, đó là lần đầu tiên từ khi đi học cho đến khi “may mắn” được vào lớp chuyên toán, các em bắt đầu nhận được những điểm kém về toán – điều mà chưa từng xảy ra khi học “trường không tên tuổi”. Cảm giác “thất bại” ấy thật khó mà chấp nhận, nó ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của các em.

Trong thuyết trí thông minh đa dạng khẳng định rằng “mọi người đều thông minh tuy nhiên thông minh theo cách khác nhau”, nếu con bạn nổi trội về trí thông minh không gian, trí thông minh vận động,… nhưng không nổi trội về trí thông minh logic/toán học mà bắt con ngồi học ở lớp “luyện gà nòi” về toán, liệu có ổn không?  

3 lưu ý bố mẹ cần cân nhắc khi chọn trường cho con
>> Con vào trường “đinh” chắc gì đã học “đỉnh”

Đúng thế, Albert Einstein nói: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng trèo cây của nó, nó sẽ sống suốt đời và tin rằng nó thật  ngốc nghếch”. Nếu chúng ta chưa biết khả năng nổi trội của con mình, liệu có nên cho con vào những lớp, những trường “cực giỏi” không? Có tạo áp lực cho con quá không?

2. Trường nào cũng có những giáo viên tốt

Đó là điều chắc chắn!

Nếu con mình may mắn gặp được những thầy cô giáo “dạy-dỗ” tốt (dạy giỏi về chuyên môn – bồi đắp cho con em mình một nhân cách làm người  –  là tấm gương để học sinh noi theo) thì thật là hạnh phúc. Nhưng, không phải trường tốt là mọi giáo viên đều tốt. Bất kì một tổ chức nào, một lớp học, một cơ quan, đoàn thể… nào cũng vậy, không phải tất cả mọi người đều giỏi, đều tốt như nhau. Tổ chức, đơn vị càng đông thì sự phân hóa nhiều tầng càng rõ. Trường học cũng không ngoại lệ. Vì thế đừng bao giờ mang tâm lý “trường tốt thì giáo viên giỏi” để cố gắng “đẩy’ con vào bằng được, ở trường bình thường biết đâu con lại “dạy” và “dỗ” tốt hơn thì sao?

3. Sự thuận tiện đi lại, đưa đón

Đây là một yếu tố cần xét đến, với các cháu còn bé, mẫu giáo, tiểu học, THCS thì việc cho con học gần nhà nên là một trong những ưu tiên hàng đầu để tiện đưa đón con, hoặc các con lớn rồi tự đi học được thì trường gần cũng không phải vất vả đi lai nhiều, dồn sức vào cho việc học sẽ tốt hơn là đi cả tiếng đồng hồ ngoài đường, ngày mưa ngày nắng vất vả, bố mẹ cũng sẽ chẳng yên tâm.

Các bậc cha mẹ cần nhớ rằng: Rất nhiều người thành công cao mà xuất phát điểm họ lại từ những trường làng, trường “không có tên tuổi”, họ vẫn thành công đó thôi! Họ không chọn trường mà họ chọn sự nỗ lực bản thân, họ chọn cho mình một con đường xuất sắc, vượt trội! Có thể nói rằng, học ở trường nào không quan trọng mà quan trọng là niềm tin, là sự nỗ lực ở mỗi con người!

Thành Tâm

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.