PCó rất nhiều việc cần phải chuẩn bị trước khi kết hôn, tuy nhiên có một việc rất quan trọng mà các bạn hay quên, đo là “kiểm tra sức khỏe – khám bệnh”.
Thống kê của bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi năm phát hiện hàng chục sản phụ nhiễm HIV và phần lớn khi họ đến đây mới biết mình nhiễm căn bệnh chết người này. Các y bác sĩ cho biết, những trường hợp như thế đều không kiểm tra sức khỏe, không biết rõ về thể trạng, bệnh tật, sức khỏe của bạn đời trước khi cưới.
Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là điều bắt buộc ở nhiều nước trên thế giới nhưng, các cơ sở y tế Việt Nam lại hầu như chưa có dịch vụ này mà chỉ có các dịch vụ khám sức khỏe định kỳ.
Lâu nay trước khi kết hôn, những đôi vợ chồng trẻ chỉ quan tâm đến việc chuẩn bị tâm lý, còn vấn đề SKSS hầu như không được nhắc đến. Vì thế đã có nhiều trường hợp nảy sinh mâu thuẫn chỉ vài ngày sau khi kết hôn.
Về vấn đề này các chuyên gia về SKSS cho rằng, việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ giúp bạn trẻ hiểu rõ tình trạng của nhau để “cân nhắc” việc ăn đời ở kiếp mà còn giúp họ hiểu biết để chăm sóc nhau tốt hơn trong cuộc sống sau này, giúp nhau phòng tránh, chữa trị kịp thời với những căn bệnh lây qua tình dục… Hơn thế, em bé sinh ra sẽ khỏe mạnh. Trong một số trường hợp, nếu biết trước tình trạng sức khỏe của cha mẹ có thể tiên lượng và phòng tránh một số bệnh cho con. Vậy nên, các chuyên gia tâm lý, giới tính đã khuyến cáo: Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân là việc làm khoa học cần thiết, giúp những người sắp kết hôn bước vào cuộc sống vợ chồng tự tin, có đủ sức khỏe để có đời sống vợ chồng hạnh phúc, mang thai, sinh con an toàn.
Mới đây tại 20 xã ở các tỉnh Hà Giang, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Hải Dương và Hà Nam tiến hành thí điểm mô hình kiểm tra sức khoẻ tiền hôn nhân. 5 địa phương khác cũng làm thí điểm mô hình can thiệp để giảm tình trạng tảo hôn cận huyết là Cao Bằng, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Đắc Lắc. Tại những địa phương này, các chuyên gia y tế đã tổ chức tuyên truyền vận động sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình, tuyên truyền hậu quả của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết. Đồng thời tổ chức, khám tư vấn miễn phí cho những cặp thanh niên sắp kết hôn. Nói về mục đích của việc làm này, ông Đặng Văn Nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Dân số kế hoạch hoá gia đình (Tổng cục dân số) cho biết: “Đây được coi là bước dự phòng cấp 1 giúp sàng lọc được trước sinh và sơ sinh. Làm được điều này chắc chắn hạn chế được nhiều trẻ bị dị tật, đồng thời nâng cao chất lượng dân số…”.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, nên biết rõ về tình trạng sức khoẻ của nhau trước khi kết hôn. Dù sức khoẻ có “vấn đề” nhưng vẫn quyết định đến với nhau thì tâm trạng cũng thoải mái hơn nhiều so với việc sau cưới mới khám phá ra vấn đề đó. Khi đó, người ta sẽ rất dằn vặt, đớn đau vì trót làm khổ nhau, hay lại sinh tâm lý thù hằn vì cho rằng đối phương cố giấu bệnh để tiến tới đám cưới. Việc khám sức khoẻ tiền hôn nhân, được tư vấn cụ thể, biết rõ tình trạng sức khoẻ của mình sẽ giúp bạn có sự thoải mái, sẵn sàng khi bước vào cuộc sống hôn nhân.
Cách đây một năm, khi cô cháu gái lấy chồng, gia đình bà Ngô Thị Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) vui lắm. Nhưng bà đã sớm buồn bởi “Nó lấy chồng chục ngày mà lúc nào mắt cũng đỏ hoe. Gạn hỏi mãi mới biết, khả năng “ sinh hoạt” của chồng nó quá yếu, nguy cơ không có con rất cao bởi đã từng bị biến chứng do quai bị”.
Chị Hương (Hà Nam) sinh con gái đầu lòng xong mới phát hiện ra mình bị viêm gan B lây từ chồng. Con của Hương cũng mang bệnh này.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàn (Bệnh viện Nhi Trung ương) lưu ý tới việc phát hiện bệnh di truyền qua khám tiền sản. Bởi đã có nhiều bệnh chuyển hóa của bệnh nhi bắt nguồn từ gen di truyền. Với những người mang gen này, việc khám sức khỏe sớm để phát hiện bệnh sẽ giúp người trong cuộc quyết định có nên lấy nhau hay không, hoặc nếu lấy nhau thì sẽ chọn biện pháp mang thai thế nào cho phù hợp để tránh có những đứa con dị tật bẩm sinh”.
Chính vì vậy, các bạn trẻ nên được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn để giữ gìn hạnh phúc bền lâu.