Đừng lảng tránh những câu hỏi của trẻ
Nếu bạn muốn xây dựng một mối quan hệ với con mà trong mối quan hệ đấy, bọn trẻ có thể chạy đến bên bạn để hỏi bất kỳ câu hỏi nào, chia sẻ mọi lo lắng hay buồn bã thì bạn hãy luôn thành thật trả lời mọi câu hỏi của chúng. Điều này không phải dễ dàng, vì bạn sẽ có nguy cơ phải đối đầu với những câu kiểu như “Ngày xưa mẹ có học giỏi không?”, “Bố đã bao giờ đánh nhau trong lớp chưa?”, “Sau khi chết đi chúng ta sẽ trông như thế nào?”…
Việc đưa ra liên tục các câu hỏi là dấu hiệu của một đứa trẻ thông minh. Một đứa trẻ chỉ bắt chước một cách dập khuôn và không bao giờ hỏi tại sao khi lớn lên sẽ dễ dàng bị xỏ mũi. Vì vậy, hãy đừng bao giờ càu nhàu khi con bạn đưa ra hàng loạt câu hỏi. Nếu không biết câu trả lời, bạn hãy nói “Bố mẹ không biết, để bố mẹ suy nghĩ nhé” và phải nhớ tìm câu trả lời rồi nói với bé sau đó.
Đừng bao giờ lảng tránh một câu hỏi liên quan tới bản thân bạn như việc bố mẹ đã bao giờ đánh nhau, hút thuốc, nói dối… Dù câu hỏi con bạn đưa ra khó như thế nào cũng hãy cố gắng trả lời đúng sự thật. Điều này giúp cho bạn và con có được cuộc nói chuyện cởi mở và thẳng thắn. Nếu bạn né tránh, những đứa trẻ có thể thấy rằng chúng không thể tin tưởng và bố mẹ mình nữa.
Với những đứa trẻ lớn hơn, mặc dù bạn chịu khó trả lời hàng loạt câu hỏi của chúng nhưng nguyên tắc bạn cần nhớ là hãy luôn trả lời mọi câu hỏi nhưng không nên hỏi quá nhiều. Ở lứa tuổi lớn hơn một chút, trẻ con thường có bản năng phòng thủ khi bị hỏi dù những câu đơn giản nhất. Chúng sẽ chỉ chia sẻ những gì chúng muốn và khi nào chúng thấy cần. Bạn có thể quan tâm, nhưng bọn trẻ sẽ nghĩ là bạn tò mò hoặc muốn can thiệp vào cuộc sống riêng của chúng. Giai đoạn này sẽ đi qua nếu bạn bình tĩnh với bọn trẻ và sau đó, bạn sẽ nhanh chóng có lại những cuộc trò chuyện bình thường và sự tin tưởng của những đứa con.
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.