New feeds của tôi, ngày nào cũng “trồi” lên vài lượt share của bạn bè, copy lại những những lời khuyên mà (nghe nói), đến từ tỷ phú. Này là người đàn ông giàu có nhất lãnh thổ này, này là người đàn ông có số tài sản đứng đầu lãnh thổ khác, thêm người đàn bà thành công nhất trong lĩnh vực nọ, lại cậu tỷ phú trẻ đứng đầu về tiêu chí “ngon lành” nào đó.
1. Làm giàu trong hằn học:
Tôi không hiểu sao lại có người đem những người thân ra bôi bác, chê bai. Họ quy kết một cách tự phụ như thể người thân là trở ngại lớn nhất đối với sự thành công của con người ta vậy. Theo như những lời lẽ bạc bẽo ấy thì người thân không bao giờ hiểu được những lợi ích mà chúng ta đem đến suốt ngày chỉ chăm chăm lo lắng ta có lừa họ không. Rằng người thân không bao giờ trân trọng sản phẩm mà ta kinh doanh, không bao giờ tin ta có thể chinh phục những đỉnh cao. Họ mỉa mai ta hết sức, chê bai ta tàn tệ. Nhưng nếu ta ăn mừng thành công thì những người thân cản trở và vô dụng ấy sẽ đến thưởng thức bữa tiệc ấy đầu tiên!
Tôi đang nghĩ trong đầu, là điều gì xảy ra cũng có lý do của nó. Không ít những người đã lợi dụng những mối quan hệ thân tình, quen biết để lừa đảo. Không ít người buôn bán với quan niệm “đã quen phải lèn cho đau”. Họ đem chính những người thân của mình ra kiếm chác, lợi dụng rồi “xù” luôn trách nhiệm của mình. Không ít người đã vay mượn, ăn chặn từ người thân của mình. Đồng ý là có những người thân đã không hiểu chúng ta, cũng có khi không tin tưởng chúng ta đúng cách, nhưng không có nghĩa là ta nên nghĩ về họ theo cách hằn học đó, nói về họ như những kẻ nhỏ nhen đầu tiên ngáng chân ta. Bởi lẽ, sau tất cả, ấn tượng cuối cùng của bạn về người khác ra sao, nó sẽ cho thấy nhân cách của bạn rõ ràng và trung thực nhất. Học cách nhìn thấy khía cạnh tích cực nhất từ người khác sẽ giúp mọi người nhìn bạn ở cái nhìn tốt đẹp hơn và ngược lại. Nghĩ xấu về người thân cũng có thể sẽ khiến bạn giàu hơn, nhưng hãy cứ trung thực với mình xem bạn có thật sự muốn sống một cách đơn độc không.
2. Làm giàu trong tính toan, cằn cỗi:
Tôi còn thấy, có tỷ phú khuyên người ta tính toan đến cả chuyện ăn trưa. Rằng phải chọn những người hơn mình để mời người ta hai bữa trưa/tuần. Bạn nghĩ sao? Chỉ thói tiểu nông mới có tư duy “ăn cây nào rào cây ấy”. Bạn sẽ mời ai nếu tất cả những người bạn mời ăn trưa đều đang bận tìm đến những người đẳng cấp hơn mình? Và bạn định đem một bữa trưa ra để nghe người ta nói những gì? Bạn sẽ tiến bộ đến đâu khi mà giờ ăn uống cũng bắt cơ thể phải sinh độc tố, bởi thay vì dùng cơm, dạ dày của bạn đang phải “nhai” tính toán. Có một thời, người ta đã cực lực phản đối quan niệm “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Bởi lẽ, những người vội vã mừng khi mình đang được gần “một cái đèn” để vội vã khinh bỉ những người đan “gần mực”, thực ra là những kẻ ngạo nghễ và thực dụng.
Bạn muốn học hỏi để làm giàu là đúng, bạn muốn tìm những nhân tố nổi bật để người ta trao cho bạn những bí quyết và thông tin là đúng. Nhưng nên nghĩ thế này, đến cả bữa cơm bạn cũng cố nhồi nhét thì chưa biết bạn giàu cỡ nào, nhưng dạ dày của bạn thì đang phải tiêu hóa rất nhiều độc tố do quá trình toan tính sinh ra. Ai đó đã từng nói mà tôi thấy hoàn toàn chính xác: muốn giàu phải giỏi, muốn giỏi phải học, muốn học phải để cho tâm trí mình tĩnh lặng…
3. Đề cao lối sống quá “động” mà quên “tĩnh”:
Những chuyên gia kinh tế, những người đã thành đạt trên thương trường/chính trường thế giới, chủ yếu đem cái nhìn của phương tây đến với Việt Nam. Và đa số trong họ đều đề cao sự nhanh nhạy, hoạt bát, đề cao những thành phố “không ngủ”, đề cao việc người ta quên ăn quên nghỉ để hết mình cho công việc, để học tập, thăng tiến và kiếm tiền.
Tôi không biết người ta sẽ giàu có đến đâu với việc thiết kế cho cả một thế hệ trẻ phải cố gắng gấp 2-3 lần công sức ấy. Nhưng tôi đã nghe về những thành phố ô nhiễm tiếng ồn và ánh sáng quá mức, ở đó đã có những người mắc bệnh mất ngủ triền miên, các loại bệnh về trí não, tinh thần gia tăng đáng kể bởi nhịp sinh học bị rối loạn, không gian lẫn thời gian sinh hoạt đều bị phá vỡ, bất quy tắc và ô nhiễm. Tôi đã nghe về những hiện tượng bất ổn về an ninh trật tự do con người phải bị vắt kiệt tinh thần bởi hiện tượng quá tải trong công việc. Tôi đã nghe về những quán bar, quán ăn dành cho những người phải “ngủ ngày cày đêm”, nghĩa là họ làm việc chuyên về ca đêm thay vì ban ngày như đa số mọi người. Điều ấy chỉ là cái vỏ lung linh cho quá nhiều những vấn đề sức khỏe về sau, vì thiếu ánh sáng, vì bị lộn ngược quy luật ngày đêm, sinh học…
Không biết đã ai kiểm chứng xem những lời khuyên ấy có đúng là của họ đưa ra hay không, và những lời khuyên ấy có thật sự tốt lành gì không, chứ cá nhân tôi thì nghĩ, làm tỷ phú mà phải nghĩ và hành động thế, chắc gì đã vui.
Khánh An
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.