Công nghệ TeraEgg sử dụng ánh sáng hồng ngoại kết hợp cùng thuật toán phức tạp cho phép phân tích các dấu hiệu về giới tính và sinh sản ngay từ giai đoạn đầu phát triển phôi của trứng gà.
Mỗi năm có khoảng 300 triệu gà con đực bị giết ngay khi vừa nở tại trang trại ấp trứng, còn trên toàn cầu ước lượng khoảng 7 tỷ con. Đây được xem như quá trình chọn lọc của ngành chăn nuôi ưu tiên cho gà mái có khả năng đẻ trứng, thải loại những con sức khỏe yếu… Gà trống con bị xem như “vô dụng” vì không thể đẻ trứng, chậm tăng trưởng, không cho nhiều thịt khi nuôi trong môi trường công nghiệp.
Điều này khiến Matt O’Hayer – chủ trang trại Vital Farms tại vùng Austin (bang Texas, Mỹ) cảm thấy sốc vì ông đang xây dựng mô hình nuôi gà quy mô lớn ngay trên đồng cỏ giúp chúng thoải mái đi dạo, hưởng nhiều “tiêu chuẩn phúc lợi”. O’Hayer đã liên hệ với nhiều trại ấp trứng khác để tìm cách cứu gà con nhưng không nhận được bất kỳ sự hưởng ứng nào. Vì vậy ông chuyển sang tìm giải pháp bằng nền tảng công nghệ.
TeraEgg không phải là công nghệ duy nhất được phát triển nhằm ngăn chặn việc tàn sát gà con.
Kết quả O’Hayer đã phát triển công nghệ TeraEgg sử dụng ánh sáng hồng ngoại kết hợp cùng thuật toán phức tạp cho phép phân tích các dấu hiệu về giới tính và sinh sản ngay từ giai đoạn đầu phát triển phôi. Nhờ vậy các trang trại có thể loại bỏ trứng giống đực hay khả năng vô sinh cao trước khi đưa vào lò ấp. Những quả trứng này sẽ được đưa ngược ra thị trường bán cho người dân sử dụng bình thường.
“Điều này mang đến nhiều lợi ích từ đảm bảo quyền lợi cho động vật, tối ưu hóa sản xuất cho đến giảm thiểu chất thải thực phẩm. Chúng tôi đang hợp tác với công ty công nghệ cao Novatrans của Israel thành lập công ty con Ovabrite để có thể thương mại hóa TeraEgg vào cuối năm 2017”, ông O’Hayer chia sẻ.
Paul Shapiro – Phó chủ tịch chính sách Hội Nhân đạo Mỹ cho rằng TeraEgg là một công nghệ hứa hẹn giúp hàng triệu con vật tránh được số phận khủng khiếp. Ông Shapiro cho biết thêm Hiệp hội các nhà sản xuất trứng, chiếm 95% trang trại nuôi gà trên toàn quốc, đã quyết định sẽ sử dụng công nghệ này khi nó hoàn thiện kỹ thuật và khả thi về mặt kinh tế nhằm kết thúc việc tiêu hủy gà con vào năm 2020.
TeraEgg không phải là công nghệ duy nhất được phát triển nhằm ngăn chặn việc tàn sát gà con. Đơn cử như công ty Egg Farmers of Ontario hợp tác cùng giáo sư Michael Ngadi thuộc đại học McGill University nghiên cứu kỹ thuật xác định giới tính phôi, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Chính phủ Đức cũng tài trợ một dự án nghiên cứu công nghệ tương tự. Hay một công ty khởi nghiệp ở Hà Lan đang bắt tay vào dự án In Vovo với tham vọng nếu thành công sẽ cứu hơn 3 tỷ gà trống con trên toàn cầu.