Dùng toán học vạch lãnh địa thế giới ngầm

Dùng toán học vạch lãnh địa thế giới ngầm

Các chuyên gia toán học đã sử dụng những phương trình hình học thu thập được trong lúc nghiên cứu động vật hoang dã để dự đoán địa điểm sắp diễn ra những trận ẩu đả nảy lửa giữa các băng nhóm đối địch với độ chính xác đến 99%.

Theo website Smithsonian.com, nhà nhân chủng học Jeffrey Brantingham thuộc Đại học California tại Los Angeles đã viện dẫn lý thuyết được thành lập vào thập niên 1920 của nhà thống kê học người Mỹ Alfred Lotka hợp tác với nhà toán học người Ý Vito Volterra. Hai chuyên gia này đã rút ra giả thuyết trên quan sát những đàn động vật hoang dã có kích thước tương đồng nhau, từ sư tử đến linh cẩu, trong lúc chúng tranh giành địa bàn sinh sống. Và kết quả nghiên cứu đã được sử dụng để viết nên phương trình Lotka-Volterra, lâu nay vẫn dùng đề nghiên cứu giả thuyết về sinh thái học.

Dùng toán học vạch lãnh địa thế giới ngầm
Cảnh sát truy bắt thành viên băng nhóm tội phạm

Dựa trên phương trình này, chuyên gia Brantingham đã nghiên cứu 13 băng tội phạm có quy mô khá tương đồng, hoạt động tại các địa bàn từ vùng lân cận Boyle Heights đến East Side của Los Angeles. Với sự hỗ trợ của cảnh sát, nhóm của ông đã xác định được nơi đặt hang ổ của từng băng, và sử dụng phương trình Lotka-Volterra để vẽ ranh giới giữa các băng nhóm đang cạnh tranh giành lãnh địa. Kết quả hết sức hứa hẹn, nếu các nhóm tương đồng nhau về lực lượng, “biên giới” địa bàn dễ dàng được vạch ra. Từ đó, các nhà nghiên cứu mới dự đoán tiếp nơi nhiều khả năng sẽ xảy ra những trận đụng độ giữa các bên.

Các chuyên gia phát hiện khả năng “giao chiến” ở mức 58,8% tại khu vực cách “biên giới” khoảng 300m, 87,5% diễn ra trong phạm vi 60 m, và 99,8% trong vòng 1,6km. Kết quả phân tích 563 vụ đấu súng giữa các băng nhóm trong khu vực trên từ năm 1999 đến 2002 đã xác nhận dự đoán của các chuyên gia, với tỷ lệ đụng độ trong đời thực lần lượt là 58,2%, 83,1% và 97,7%.

Chuyên gia Brantingham cho hay phương pháp vạch địa bàn trên đã phản ánh hoạt động của thế giới ngầm một cách hiệu quả hơn các biện pháp đang được cảnh sát áp dụng, vì nó không đơn thuần chỉ dựa trên tình trạng địa lý. Nhóm của ông đang tiếp tục thử nghiệm các bản đồ lãnh địa, với hy vọng sẽ sớm cung cấp một công cụ hoàn hảo cho các sở cảnh sát đối phó với tình trạng bạo lực giữa các băng nhóm tội phạm. Đặc biệt, phương pháp này có thể được triển khai khi hai băng lần đầu tiên cùng xuất hiện trên một địa bàn, và cảnh sát chỉ việc dàn lực lượng đúng chỗ trước khi bạo lực bùng phát.

 

Theo Thanh Niên