Loài động vật lưỡng cư này có thể nhận dạng mùi của kẻ thù từ khi chúng còn ở dạng bào thai, các nhà khoa học Mỹ tuyên bố.
Ếch cây. Ảnh: newint.org |
Khi bị thương bởi sự tấn công của kẻ thù, động vật lưỡng cư như ếch, thằn lằn thường tiết ra một loại chất pheromone để cảnh báo đồng loại. Sau khi trứng nở, ếch cây non sẽ phải học cách phân biệt mùi của chất pheromone do đồng loại tiết ra và mùi của những động vật săn mồi.
Một nhóm chuyên gia thuộc Đại học Missouri, Mỹ, đặt ra câu hỏi: Liệu ếch cây có thể phát triển khả năng nhận diện kẻ thù sớm hơn nhiều, tức là từ khi chúng còn ở dạng bào thai, hay không? Nhóm nghiên cứu cho nòng nọc ếch cây bị thương và sa giông bụng hoa vào hai xô nước riêng biệt. Sa giông bụng hoa (còn gọi là tắc kè nước, cá cóc bụng hoa), là động vật lưỡng cư có nguồn gốc từ châu Á và chuyên ăn thịt nòng nọc của các loài lưỡng cư khác.
Sau đó, họ múc một phần nước từ hai xô và đổ vào một chậu. Các chuyên gia cho một số trứng ếch cây vào chậu nước này và một số khác vào xô chứa sa giông bụng hoa. Họ làm việc đó trong 6 ngày liên tục, mỗi ngày trứng được cho vào nước trong 3 giờ. Hai tuần sau khi nở, những con nòng nọc nở ra từ trứng trong chậu ngừng bơi ngay lập tức khi được thả vào nước có mùi sa giông. Trong khi đó, những nòng nọc ở nhóm kia không có bất kỳ phản ứng nào.
Nhiều nghiên cứu trước đây chứng minh rằng bào thai ếch có thể học cách phân biệt mùi vị của thức ăn ngay trước khi trứng nở. Vì thế, các nhà khoa học thuộc Đại học Missouri cho rằng quá trình học hỏi của ếch cây bắt đầu từ giai đoạn bào thai.
Theo VnExpress (Livescience)